Tại buổi họp báo thường kỳ về hoạt động của bộ, ngành trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã công bố nhiều hành vi vi phạm của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam.
Trước đây, Bộ TTTT đã từng chỉ ra các hành vi phạm của các nền tảng chia sẻ nội dung như Facebook, YouTube. Đây là những nền tảng đã có thời gian hoạt động ở Việt Nam trên dưới 10 năm.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, một nền tảng mạng xã hội mới là TikTok đã nổi lên, nhưng cũng có nhiều vấn đề vi phạm pháp luật.
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TTTT, trước đây, nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về chia sẻ thông tin giải trí. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2022, trên nền tảng này dần xuất hiện nhiều nội dung độc hại, ảnh hưởng tới người dùng mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em.
Không chỉ dừng lại ở các nội dung giải trí độc hại, nhiều đối tượng cũng sử dụng nền tảng này để chia sẻ thông tin chống phá Đảng, Nhà nước.
Thuật toán của TikTok được thiết kế để gây nghiện và liên tục tạo ra các xu hướng độc hại. Các nội dung độc hại trên mạng xã hội này cũng rất dễ tạo thành xu hướng và mang ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và người dùng Việt Nam.
Thần tượng mạng (idol) và những người truyền cảm hứng là một nhân tố không thể thiếu trên TikTok. Nền tảng này cũng cho phép người dùng mạng xã hội donate (tặng tiền) cho những idol.
Nhưng vì TikTok không khuyến khích những nội dung tốt đẹp, nên tình trạng nhiều người sử dụng các nội dung độc hại, nhảm nhí, vô văn hóa, đánh vào phần “con” của con người để nhận được nhiều tiền hơn từ người dùng TikTok đang ngày càng gia tăng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là bản quyền phim.
Cùng với đó, tình trạng người dùng tự ý sử dụng hình ảnh cũng thường xuyên xảy ra, dẫn đến vi phạm quyền riêng tư của người dùng khác.
Không chỉ các vấn đề trên, nhiều video có nội dung xuyên tạc về lịch sử văn hóa Việt Nam, sử dụng hình ảnh khiêu gợi, hở hang, đi kèm nội dung hạ thấp con người Việt Nam, bên cạnh đó là những nội dung gây nguy hiểm với trẻ em cũng tràn lan trên nền tảng.
TikTok cũng là nơi để nhiều đối tượng tổ chức kinh doanh các mặt hàng bất hợp pháp tại Việt Nam.
Cuối cùng, hiện tượng hướng nghiệp nhảm nhí vẫn tiếp tục diễn ra.
Trên TikTok, có những người tự nhận mình là thầy giáo, giáo viên đưa ra những lời khuyên lệch lạc như đừng đọc sách, bằng đại học là vô dụng, từ đó tạo ra thông tin sai lệch cho người dùng mạng xã hội này, hầu hết là người dùng trẻ tuổi.
Bộ TTTT sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 5.2023 để thanh tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trước những hành vi vi phạm của nền tảng này.