Theo Live Science, con cá sấu dài 4m, sống ở một con sông gần thành phố Palu trên đảo Sulawesi và được người dân địa phương gọi là "buaya kalung ban", nghĩa là "cá sấu đeo vòng cổ lốp xe". Con cá sấu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2016. Các nhà bảo tồn địa phương đã hai lần cố gắng bắt con vật để tháo lốp xe nhưng đều thất bại.
Những người bắt cá sấu chuyên nghiệp từ Australia cũng bay đến Indonesia để cố bắt con cá sấu "đen đủi", nhưng đều "công cốc", theo ABC News.
Vào ngày 7.2.2022, một người đàn ông địa phương 35 tuổi tên là Tili cuối cùng đã bắt được con cá sấu bằng bẫy thủ công, bao gồm một sợi dây buộc vào một khúc gỗ với gà và vịt sống được dùng làm mồi nhử. Tilli đã theo dõi con cá sấu trong 3 tuần trước đó và đã gần bắt được mục tiêu 2 lần trước khi thực sự tóm gọn con vật trơn trượt này, theo Reuters.
"Nhiều người đã nghi ngờ về tôi và cho rằng tôi không nghiêm túc. Tôi đã cầu xin sự giúp đỡ từ mọi người, nhưng họ sợ hãi", Tili nói.
Sau khi Tili bắt được con cá sấu và kéo nó vào bờ, một nhóm lớn người dân địa phương, bao gồm cả nhân viên cứu hỏa, đã tập hợp lại để xem và hỗ trợ cắt lốp khỏi cổ con vật. Con cá sấu sau đó được thả trở lại sông. Video về cuộc giải cứu đã được RTE News chia sẻ trên Twitter.
Vào tháng 1.2020, một nhóm bảo tồn địa phương tuyên bố tặng thưởng cho bất kỳ ai có thể bắt được con cá sấu và giải cứu nó. Tuy nhiên, Tili khẳng định anh không làm điều đó vì tiền. Tili cho hay: "Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn những con vật bị thương. Ngay cả rắn, tôi cũng sẽ giúp".