ThS.BS Đặng Thanh Hồng An - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM đã chỉ ra những loại nước mát với các tính chất khác nhau, phù hợp với thể trạng của từng người. Hãy thử điểm qua tính chất các vị để nấu nước mát kể trên.
Rong biển, mía lau–nước mát bổ dưỡng cho người gầy
Rong biển có hàm lượng dinh dưỡng cao, có chứa nhiều khoáng chất, trong đó đặc biệt là lượng Canxi, i-ốt cao, hàm lượng Cholesterol thấp, tốt cho thai phụ và trẻ em.
Theo y học cổ truyền, rong biển màu đen hoặc xanh, vị mặn, ngọt nhẹ, tính mát. Nước rong biển vì vậy rất thích hợp để bồi dưỡng cho những người gầy yếu, tiêu hóa không tốt, thường cảm thấy nóng lòng bàn tay chân, tiêu bón, da dẻ không mềm mại, khô khát thích uống nước hoài.
Bí đao giúp giảm cân hữu hiệu
Có tác dụng giải nhiệt, phòng say nắng, khô miệng, mụn nhọt, ban sởi. Ngoài ra, ăn bí đao còn có tác dụng giảm cân, rất tốt cho người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, huyết áp cao, bị phù do viêm thận. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng bí đao sống hoặc nước ép bí đao sống, sẽ gây rối loạn tiêu hóa.
Rễ tranh, mã đề, râu bắp – nước mát cho người hay tiểu vàng, sẻn, gắt
Theo đông y, rễ cỏ tranh có màu trắng hoặc vàng nhạt, vị ngọt, tính hàn, có công năng thanh nhiệt (làm mát), lợi tiểu, thanh phế nhiệt (làm mát cái nóng ở vùng ngực, dùng tốt trên người có ho mà nóng ran ngực). Và bởi vì có tính mát, lại lợi tiểu, nên người gầy, suy kiệt nhiều tuy có nóng trong người nhưng hạn chế dùng, vì tiểu tiện dễ góp phần giảm lượng nước trong cơ thể thêm, người sẽ càng nóng nảy.
Râu bắp có chứa nhiều loại Vitamin. Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, có công năng lợi tiểu, giảm phù, thông lợi mật, thanh huyết nhiệt (làm giảm nóng nảy, bứt rứt, mụn nhọt). Đối với người mập, tăng acid uric, tăng cholesterol máu, dùng râu bắp làm nước uống hằng ngày rất tốt cho sức khỏe.
Mã đề có tính mát, vị ngọt, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. Được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm amidal, viêm bàng quang, đau mắt đỏ tác dụng lợi tiểu, giải độc. Mã đề là một vị phụ thêm vào các loại nước mát, tuy nhiên, không dùng cho người gầy ốm và hay khó tiêu lạnh bụng.
Mía lau - thức uống bổ dưỡng cho người gầy
Mía lau thân nhỏ, mảnh hơn so với các loại mía khác, vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giúp ăn ngon miệng, đi tiêu tiểu dễ, làm mát, giảm ho, giảm nóng, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Đặc biệt, mía lau có tác sinh tân (làm mát bằng cách tạo thêm tân dịch) nên ít gây tác dụng phụ gây lợi tiểu quá mà mất nước, có thể dùng lâu dài. Tuy nhiên, người nóng trong người có ho, gặp lạnh ho lại tăng thì không nên dùng.
Bông cúc – nước mát cho người căng thẳng, dễ phiền muộn
Bông cúc (tên thuốc bắc là Cúc hoa) vị ngọt đắng, tính hơi hàn, có tác dụng giải cảm hạ sốt tiêu viêm, giải độc (làm giảm sưng viêm các mụn nhọt), làm sáng mắt. Vì vậy bông cúc đặc biệt cần thiết cho những người mắt mờ, mắt hay khô cộm, hoặc dễ bị kích ứng mắt, đỏ mắt, mắt nhắm lại thấy nóng, người bị tăng huyết áp nhức mắt, nhức thái dương, nặng nửa đầu, khó ngủ, nửa đêm hay tỉnh. Tuy nhiên người ăn uống khó tiêu, dễ lạnh bụng, ăn dễ trúng, dễ tiêu chảy, tay chân bủn rủn, yếu sức không nên dùng.