ĐỨNG TRONG HÀNG NGŨ CỦA ĐẢNG LÀ KHÁT VỌNG TỰ THÂN, TỰ NGUYỆN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG. ĐÓ KHÔNG CHỈ LÀ NIỀM TỰ HÀO, MÀ CÒN GHI NHẬN QUÁ TRÌNH PHẤN ĐẤU, CỐNG HIẾN CHO XÃ HỘI, ĐẤT NƯỚC CỦA MỖI CÁ NHÂN… VÀ TRONG HÀNH TRÌNH ĐÓ, KHÔNG THỂ THIẾU VAI TRÒ BẮC CẦU CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN.
“Vedan là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp”
“Vedan là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp”, ông Phạm Trung Thuyên- Bí thư Đảng bộ cơ sở Công ty Vedan Việt Nam tự hào nói với phóng viên.
Năm 2001, Đảng bộ cơ sở công ty Vedan được thành lập với 9 đảng viên, phân chia về 3 chi bộ, là đảng bộ cơ sở trực thuộc huyện uỷ Long Thành (Đồng Nai). Tổ chức này là trung tâm chính trị để lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong công ty và hướng dẫn tuyên truyền để chủ doanh nghiệp chuyên gia nước ngoài thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lần đầu tiên vào năm nay, tính đến 31.12.2017, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thời điểm 31.12.2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.486 doanh nghiệp, chiếm 0,4% và giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016; Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, chiếm 96,7%, tăng 10,9%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 16.178 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh là 33 triệu tỉ đồng, tăng 17,5%; tạo việc làm cho 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016; tổng doanh thu thuần là 20,66 triệu tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỉ đồng vốn; tạo việc làm cho 8,8 triệu lao động; đạt tổng doanh thu thuần là 11,7 triệu tỉ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp và tăng 20,2% so với năm 2016.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 54,3 triệu lao động, trong đó có 8,3% lao động thuộc khu vực nhà nước, 83,3% thuộc khu vực ngoài nhà nước và 8,4% ở khu vực FDI. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 12.000 tổ chức Đảng, hơn 180.000 Đảng viên trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. So với năm 2010, con số này đã tăng gấp 6 lần.
Tuy nhiên, xét trên 91,7% lực lượng lao động đang làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh (49,8 triệu người), tỉ lệ người lao động đang đứng trong hàng ngũ của Đảng chỉ chiếm 0,36%.
Vậy nguyên nhân do đâu khiến tình hình phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt được kỳ vọng?
Vậy nguyên nhân do đâu khiến tình hình phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt được kỳ vọng?
“Phóng viên báo Lao Động đã trải qua hành trình thực tế ở 11 tỉnh thành từ Bắc vào Nam, gặp gỡ gần 30 doanh nghiệp ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài để tìm hiểu việc phát triển Đảng tại khối doanh nghiệp này.
Trong ngôi nhà tại phố Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ông Phan Đào Nguyên - Nguyên giám đốc nhà xuất bản Lao động bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân của mình ở mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh). Với ông, quãng thời gian 47 năm hoạt động, cống hiến trong hàng ngũ của Đảng là sự tự hào sâu sắc.
Sinh ra trong thời kỳ kháng chiến, ông Nguyên cũng như nhiều thanh niên khác đi theo tiếng gọi của Đảng tới vùng than sản xuất. Trải qua nhiều năm cống hiến, phấn đấu và thử thách, ông mới chính thức được kết nạp Đảng tại mỏ than Mông Dương. Bồi hồi nhớ lại, ông nói:
“Lúc đó phấn đấu vào Đảng là điều linh thiêng lắm, tiêu chuẩn để trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản cũng cực kỳ khó khăn. Nhiều người phải phấn đấu 2-3 năm, chấp hành đầy đủ chủ trương, đường lối, có ý thức, trách nhiệm để được gia nhập Đảng”.
Thực tế, với những người đảng viên đi lên từ công nhân, đoàn viên công đoàn trong thời chiến như ông Nguyên, sự khó khăn, thử thách là điều không thể phủ nhận. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, với bản thân họ là sự vinh dự, tự hào mà không phải ai cũng đạt được.
Trong thời đại hiện nay, những người công nhân, đoàn viên công đoàn vẫn còn nguyên khát khao vào Đảng như thế hệ cha anh. Nhưng với những người công nhân làm việc trong khu vực ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài, hành trình để họ đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khó khăn không kém.
Tại công ty TNHH điện tử Asti thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, sự hối hả, tất bật thể hiện rõ trên khuôn mặt từng người công nhân. Trò chuyện với anh Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch công đoàn công ty TNHH điện tử Asti Hà Nội, chúng tôi hiểu được phần nào sự khó khăn mà những người làm công tác công đoàn phải trải qua.
Anh Nhân kể:
“Khi bắt đầu ý tưởng thành lập Chi bộ Đảng, các lãnh đạo công ty đã kiên quyết từ chối. Phải sau nhiều lần thuyết phục, thương thảo, ban lãnh đạo mới nhận thấy thành lập Chi bộ Đảng thực sự có ích cho người lao động, tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp”.
Còn đối với đảng viên Hoàng Minh Hảo tại Bình Dương từng vô cùng lo lắng khi làm việc tại công ty Uni President - một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chi bộ Đảng. Từ một người công nhân, đoàn viên công đoàn đến một đảng viên mới và nay là Bí Thư chi bộ 2, Đảng bộ Sóng Thần, KCN Sóng Thần, Bình Dương, cá nhân anh Hảo đã phải trải qua một quá trình dài thử thách, phấn đấu. Bồi hồi nhớ lại, đôi mắt đảng viên Hoàng Minh Hảo vẫn còn nguyên sự phấn.
“Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có khát khao đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nguyện vọng đó tưởng chừng như không thể thực hiện khi năm 2012 tôi vào làm việc tại doanh nghiệp FDI không có tổ chức Đảng. Nhưng rồi cơ duyên may mắn, tôi được anh Đào Trần Đông - Phó bí thư Chi bộ công đoàn các KCN Bình Dương dìu dắt, hướng dẫn và kết nạp tại Đảng bộ KCN”.
Ông Vũ Quang Thọ - Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho biết, qua quá trình khảo sát cùng với Viện Công nhân Công đoàn, ông rút ra 4 khó khăn mà người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải đối mặt khi muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng:
Thứ nhất, doanh nghiệp ngoài nhà nước không ủng hộ công nhân, người lao động phấn đấu vào Đảng.
Thứ hai, doanh nghiệp không tạo mọi điều kiện cho các quần chúng ưu tú có thể phấn đấu theo lý tưởng của Đảng.
Thứ ba, những người lao động có ý chí, quyết tâm đi theo con đường của Đảng luôn cố gắng làm tốt công việc, nhưng không hề được khuyến khích.
Cuối cùng, ban lãnh đạo không đồng ý cho thành lập các tổ Đảng, các chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Con đường đến với Đảng chưa bao giờ trải hoa hồng, đầy thử thách, đầy cam go khiến cho chính những quần chúng ưu tú, những công nhân lao động chùn bước.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận: “Một bộ phận đoàn viên, công nhân mải lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống hàng ngày, nhiều khó khăn khác, vẫn chưa nhận thức đúng quyền lợi của mình.”
Trong giai đoạn hiện nay, công nhân trên địa bàn thủ đô có sự tương đồng với người lao động cả nước. Họ ít có sự tìm hiểu để mong muốn trở thành đảng viên, trở thành thủ lĩnh của người lao động. Đây là một vấn đề đáng lo ngại.
Nêu ra 3 vấn đề trong phát triển Đảng tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, công tác phát triển Đảng viên, thành lập chi bộ Đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa có tiền lệ, do đó trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn về mô hình, phương pháp, kinh nghiệm...
Nhận thức của một bộ phận cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động về Đảng còn hạn chế, do vậy chưa xây dựng được tư tưởng, động cơ phấn đấu gia nhập vào Đảng một cách đúng đắn, họ cho rằng thời gian tham gia lớp đối tượng dài ngày, ảnh hưởng đến thời gian làm việc, việc kê khai lý lịch mất nhiều thời gian do đa số sống xa quê không có thời gian đi lại và phải chỉnh sửa, bổ sung nội dung lý lịch nhiều lần do kê khai chưa đúng theo hướng dẫn, việc xác minh lý lịch gặp rất nhiều khó khăn do vợ, chồng không cùng một địa phương...
CÔNG ĐOÀN LÀ CẦU NỐI ĐƯA CÔNG NHÂN ĐẾN VỚI ĐẢNG
Đẩy mạnh hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và đặc biệt chăm lo về tinh thần, về bản chất , về sứ mạng, về tính giai cấp của công nhân lao động của khu vực ngoài nhà nước là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay. Cần sâu sát hơn và thấu đáo hơn để giai cấp công trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng như giai cấp công nhân Việt Nam đảm đương đc sứ mạng là người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam hoàn thành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Ba chức năng chính của công đoàn: thứ nhất là chức năng đại diện cho lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; chức năng thứ hai là tập hợp đoàn kết tổ chức và phát triển đoàn viên công đoàn; chức năng thứ ba là cầu nối quan trọng giữa Đảng với người lao động, đoàn viên công đoàn. Ở chức năng cầu nối công đoàn cần phải có sự nỗ lực lớn hơn. Không chỉ đưa quan điểm chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước đến cho người lao động mà công đoàn phải vận động tuyên truyền để người lao động đứng vào hàng ngũ của đoàn viên công đoàn, xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh và từ đó, có nguồn để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng”.
Và những người làm công đoàn đã hiểu được điều đó khi hoạt động công đoàn đã ngày càng đi vào thực chất. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh chia sẻ:
“Muốn công nhân đến với Đảng thì họ phải là đoàn viên công đoàn, mà muốn họ là đoàn viên công đoàn thì họ phải cảm nhận được lợi ích từ công đoàn. Những lợi ích hết sức thiết thực hàng ngày đáp ứng được yêu cầu về đời sống việc làm, phát triển bản thân của công nhân viên chức, người lao động. Từ đó, người lao động tin tưởng vào tổ chức công đoàn và thông qua sự tin tưởng đó, chúng ta từng bước tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng giác ngộ để họ dần dần có những nhận thức đúng đắn tích cực đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với vai trò của tổ chức đảng, đảng viên.” Không chỉ làm cho công nhân thấu hiểu để giác ngộ, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp còn khiến chủ doanh nghiệp tin tưởng vào việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp của mình.
Ông Johnny Wu – Phó Chủ tịch công ty Astro tại Bình Dương nhấn mạnh: “Tổ chức Đảng và tổ chức Công đoàn hoạt động trong doanh nghiệp giúp chúng tôi hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, của Chính phủ Việt Nam với doanh nghiệp và người lao động. Những người Đảng viên thực hiện tốt nội quy cũng là những người tiên phong đi đầu trong các hoạt động của doanh nghiệp nên tôi thấy những đảng viên này rất có ích cho sự phát triển của công ty”.
Đồng quan điểm, ông Mui Ka So, Tổng Giám đốc Regina Việt Nam (Hải Phòng) cho biết tổ chức công đoàn đã giúp công ty rất nhiều, từ việc giúp tên tuổi công ty phát triển, là cầu nối giữa công nhân và ban lãnh đạo. Chính vì vậy, khi công đoàn đề nghị thành lập tổ chức Đảng, ban lãnh đạo Regina Việt Nam đã ngay lập tức chấp thuận.
Tại chỉ thị số 33 ngày 18.03.2019 Ban chấp hành TW ĐCS Việt Nam về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Đảng đã khẳng định vai trò của giai cấp công nhân, của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một lực lượng hùng hậu góp phần tăng sức mạnh trong giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Việc xây dựng các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là nhiệm vụ cấp bách mang tính chiến lược của công đoàn Việt Nam trong tình hình hiện nay. Hoạt động này không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh, trật tự trong phạm vi rộng khắp.
Những người làm công đoàn Việt Nam hôm nay có quyền tự hào với các thế hệ cha anh đi trước vì đã viết tiếp nên những trang sử vàng của tổ chức công hội đỏ ngày nào.
Những người làm công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ khẳng định là tiếng nói của giai cấp công nhân lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trong quá trình lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
Những người làm công đoàn Việt Nam đang kiên định cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa đất nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc.
Hành trình công nhân đến với Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và vốn nước ngoài là một hành trình mang dấu ấn thời đại. Một hành trình đã được Đảng định hướng, công đoàn bắc cầu và người lao động phấn đấu. Một hành trình mang tính tất yếu của lịch sử có giá trị tương hỗ chỉ với một mục đích: Xây dựng đất nước phồn vinh.