Theo quan niệm của người Việt Nam, Táo Quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ.
Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ.
Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy sau một năm lao động vất vả.
Trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước.
Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ. Việc chuẩn bị cá chép mang ý nghĩa chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời.
Ngoài ra, còn có ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng". Cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Tùy điều kiện từng gia đình mà có sự chuẩn bị khác nhau cho mâm cơm tươm tất hay đơn giản nhưng đều chung lòng thành.
Ngoài cỗ mặn thông thường, nhiều gia đình làm cỗ chay để thắp hương dịp này.
Mâm cỗ cúng thường sẽ có 5 tới 7 món, từ món xào, món mặn, món luộc hay canh. Để mâm cơm vừa ngon miệng vừa đẹp mắt, bạn nên lựa chọn thực phẩm tươi, xanh, màu sắc hài hòa.
Ngoài chuẩn bị cơm cúng, cá chép, bạn nên chuẩn bị áo quần vàng mã. Khi nào hương cháy hết, hạ cơm thì sẽ mang trang phục vàng mã đi hóa vàng.
Để tiết kiệm thời gian chuẩn bị, bạn nên đặt mua xôi, gà luộc trước.
Bạn nên sắm đồ chuẩn bị cúng ngày ông Táo trước khoảng 5 tới 7 ngày để tránh đông đúc, giá cả phù hợp không bị nói thách.
Để tăng thêm không khí ngày giáp Tết cận kề, bạn mua thêm hoa đào, hoa ly... bày biện.
Chị Kiều Anh (quận Cầu Giấy) chia sẻ với phóng viên Lao Động: "Mỗi năm, tôi làm mâm cơm cúng ông Táo khác nhau. Thời gian nhiều thì bày biện nhiều, thời gian ít thì làm đơn giản nhưng phải đủ đầy, chỉn chu.
Giá cả mua thực phẩm ngày này cũng không có nhiều đột biến. Bởi những món thắp hương đều là những món ăn thông thường. Vì nhiều năm làm cơm cúng ông Táo nên tôi thấy cũng không có gì áp lực".