Hệ sinh thái và cánh diều của cha

Trâm Oanh |

Người ta hỏi nhau, không hiểu thằng Hoàng làm nghề gì mà mấy năm nay phất lên như diều gặp gió. Chẳng học hành bằng cấp, cũng chẳng tay nghề; cha mẹ hai bên đều thuộc diện đủ ăn, vậy mà mới ba mươi sáu tuổi, mới ngót chục năm bỏ quê lên phố Hoàng đã mang dáng dấp đại gia.

Chẳng hiểu tiền ở đâu chui vào túi nó nhiều đến thế. Tiền làm cho cái bụng nó phình phình phía trước như đàn bà mang bầu sáu tháng; khiến cái dáng đi của nó lúc nào cũng khuyềnh khoàng còn cái mặt nó không những trở nên câng câng như cái mảnh sành cong mà còn lúc nào cũng nghểnh lên trời.

Hồi mới lên thành phố, Hoàng làm công nhân trong công ty giày da. Có sức vóc lại nhanh nhẹn, hoạt bát, Hoàng được đưa vào nhóm cắt da. Nhóm này lương cao hơn công nhân vì làm công việc nặng nhọc. Suốt ngày quần quật trong xưởng với cái máy cắt, có nặng nhọc, có nguy hiểm nhưng Hoàng tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Cứ nghĩ cuộc sống bình lặng sẽ trôi đi. Đã dành dụm mua miếng đất, đã đưa vợ, con về phố và dự định làm nhà. An cư lạc nghiệp rồi báo hiếu cha mẹ thì đùng một cái, cách mạng công nghiệp 4.0 ập vào chỗ đứng cắt da giày của Hoàng.

Chuyện máy móc thay con người cứ ngỡ chuyện xa xôi ở đâu đâu, Hoàng chẳng mảy may nghĩ một ngày nó chạm đến mình, đến gia đình mình. Nghe loáng thoáng chuyện sẽ có nhiều người thất nghiệp vì Rô-bốt nhưng Hoàng chỉ nghĩ đơn giản, khả năng thất nghiệp đối với mình tựa như một người bị người khác cầm súng ngắm nhưng chưa chắc đã bắn. Mà bắn chưa chắc đã trúng. Trúng rồi chưa chắc đã chết. Là bởi ở cái xưởng này, ai cắt da nhanh, gọn và chính xác bằng Hoàng. Vậy nên cứ yên tâm làm ăn...

Nhưng có ai đâu ngờ, công ty đầu tư Rô-bốt thay thế con người thật. Việc làm biến mất. Phần việc của năm mươi thanh niên đứng cắt da cho bốn vạn công nhân nữ may giày khi trước, nay thay bằng ba cỗ máy. Năm mươi thanh niên, giờ chỉ cần năm người có sức vóc là đủ. Người cắt da nhanh, gọn và chính xác như Hoàng không cần nữa vì máy cắt da còn nhanh, gọn và chính xác hơn nhiều. Lại nghe nói, cả công nhân ngồi may, dán, sắp xếp rồi cũng sẽ giảm. 4.0 là vậy, là con người dần không còn là yếu tố thao tác trực tiếp mà chuyển sang chủ yếu là sáng tạo và điều chỉnh quá trình đó.

Hoàng choáng váng. Tiếng về phố mấy năm nhưng chủ yếu quanh quẩn với công việc và tăng ca ở công ty nên ngoài kỹ năng cắt, chặt da, Hoàng không có thêm bất cứ công việc hay kỹ năng nào để có thể kiếm sống bên ngoài hàng rào công ty. Có ai đó nói rằng, “Nếu thiên đường thực sự tồn tại: thì thiên đường là công việc, địa ngục là thất nghiệp”, Hoàng nghe mà thấm. Vậy nên ráng trụ lại. Công ty cho làm việc gì cũng xin trụ lại, miễn sao cuối tháng có lương mang về phụ vợ nuôi con. Và Hoàng được biên chế vào tổ dọn vệ sinh, quét lá trong công ty. Công việc quét lá trước đây của mấy chị em phụ nữ nhưng bây giờ 4.0 cũng giành phần. Chỉ cần một máy thổi, làm gió nhân tạo là có thể thay thế hàng chục cây chổi tre. Lá khô lại được gom theo đúng ý người. Nhưng vì quét lá kiểu 4.0 nên đàn bà không thể đeo cái máy với cái ống thổi to đùng vừa đi vừa thổi xòe xòe. Hoàng to, khỏe, tháo vát nên được chọn là người đeo cái máy thổi đi thổi lá làm sạch công ty.
Bạn bè nói đùa, cha Hoàng cũng tệ như thằng cha 4.0, đi tranh giành việc của cánh đàn bà.

Nghe đùa mà đau.

Nhưng đau nhất là đang làm công việc mang tính chất kỹ thuật nay chuyển sang công việc lao công nên lương giảm đi một nửa. Trong khi đó vợ, con vẫn nguyên quân số, chi tiêu gia đình ngày càng tăng thêm. Ở mãi trong công ty thổi lá kiểu này đến ăn chẳng đủ nói gì cất nhà. Hết đường, Hoàng nộp đơn xin thôi việc, nhận trợ cấp, có chút vốn nên kiếm chiếc xe kéo, hằng ngày chở rau, trái cây đi bán hàng rong ở cổng các công ty cho công nhân. Vợ Hoàng cũng kiếm được mối lau, dọn nhà theo giờ cho mấy nhà giàu để phụ chồng nuôi con.

Phải thừa nhận, cách mạng công nghiệp 4.0 cùng nạn thất nghiệp như một tay xạ thủ; đã nhắm vào Hoàng, đã bắn, đã trúng nhưng Hoàng không chết. Không chết mà còn là đồng sáng lập “Hệ sinh thái thất nghiệp” để rồi sống khỏe, còn thành đại gia.

Ra ngoài bán buôn, dẫu chỉ là chiếc xe kéo với rau, trái cây nhưng cảm nhận bầu trời rộng lớn và có nhiều việc để làm. Hoàng nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hoạt ngôn, tiếng rao khỏe khoắn, vang vọng nên bán buôn nhiều thuận lợi; người mua hàng của Hoàng lúc nào cũng đông đen, bởi vậy thu nhập đủ để lo cho vợ con một cuộc sống dễ thở hơn hẳn thời công nhân.

Có lẽ nhận ra “tố chất” nơi Hoàng, vài kẻ vốn dĩ là công nhân thất nghiệp, hiểu đời sống công nhân tới chân tơ kẽ tóc đến rủ Hoàng đi làm ăn chung. Ban đầu Hoàng không cần lộ diện, chỉ âm thầm vừa bán vừa điểm danh những người bán buôn nơi cổng công ty và cung cấp thông tin ấy cho người... thu “thuế”. “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, bán dạo ở cổng công ty thì đóng thuế kiểu bán dạo. Cuối buổi, người thu “thuế” ngày chia cho Hoàng chút tiền công gọi là.

Rồi Hoàng trở thành người đi thu thuế lúc nào không hay. Mới đầu nói ngọt, nói nhạt, kiểu như em cũng được người ta mướn đi thu nên chẳng biết gì. Ai cần phiếu thu hay muốn hỏi gì, để em báo lại chủ. Chủ em đi tù mới về, lúc nào sắp xếp được, ảnh ra trả lời hết các câu hỏi của mọi người. Chưa hết, thi thoảng có đám kiếng đen, áo đen, người xăm trổ và cơ bắp cuồn cuộn dạo qua.

Gặp Hoàng, thân thiện nắm bàn tay, mồi điếu thuốc, ôm vai nhau cười ngả nghiêng. Nhìn, ai cũng hiểu thằng Hoàng đã hoàn thành quá trình du côn hóa. Thôi, vì miếng cơm, manh áo, ráng nhịn chúng nó cho lành... Bởi vậy, cuối ngày, thuế mấy chợ cóc Hoàng thu không sót một ai. Nhưng nếu như hồi bán hàng, Hoàng mong giờ tan tầm để gặp đồng nghiệp cũ bao nhiêu thì bây giờ, tan tầm lấy lý do để yên cho người mua, kẻ bán, Hoàng lại lỉnh đi nơi khác.

Mới “vào nghề” đã gặp thuận lợi nhưng Hoàng biết cần phải hoàn thiện bề ngoài. Để tăng số má, phải xăm trổ; phải chửi thề; mắt nhìn phải gườm gườm, gặp “đối tượng” thì phải nhìn xoáy vào mắt nó, không được phép chớp mắt trước nó; dáng vẻ khi bước đi phải khuyềnh khoàng, thi thoảng phải có động tác đá dứt khoát cái gì đó mới oai; rồi phải vừa đi vừa phun nước miếng phèo phèo. Quần áo phải độc lạ, không rằn ri cũng phải chim cò chói lóa...

Tất cả, Hoàng đều học rồi làm nhuyễn nhừ. Rồi ra lệnh cho vợ nghỉ làm ô̂-sin; nhà mình giờ lên đời rồi, để vợ đi lau, dọn nhà cho người ta, hỏi chồng còn mặt mũi nào nhìn anh em xã hội. Mặc kệ vợ phản đối, Hoàng cấm; ở nhà, đưa đón con đi học, cơm nước chu toàn, còn chuyện kiếm tiền, để mình Hoàng lo. Chị vợ, luôn tin tưởng chồng như tin mặt trời luôn mọc đằng Đông nhưng Hoàng biết thị lo; lo nên thị vẫn lén chồng đi giúp việc nhà đây đó.

Rồi Hoàng thấy mấy cái chợ cóc chật chội, bẩn thỉu không còn xứng tầm với mình, phải vươn ra xa, phải làm ăn lớn hơn. Không thể chỉ chăm chăm vào một việc, phải có cả một “hệ sinh thái” mới tồn tại được. Hoàng có những người anh em đủ sức khỏe, rành mánh khóe, thừa ma lanh cùng dòng máu liều cuồn cuộn chảy trong người thì hà cớ gì lại quanh quẩn với chuyện ăn bẩn, bắt chẹt mấy người thất nghiệp buôn thúng bán mẹt. Muốn làm ăn lớn chỉ có thể là những việc liên quan đến đất. Đặc biệt trong thời điểm đang sốt đất, không biết chụp lấy cơ hội này chỉ có là thằng ngu. Không có tiền để mua bán, để lướt sóng thì mình kiếm ăn từ những kẻ mua bán và lướt sóng theo kiểu anh có cơm, cho tôi xin chút cháo.

Nhóm của Hoàng lên kế hoạch, đi khảo sát và nhanh chóng tìm ra hướng đi cho hệ sinh thái khởi nghiệp hậu thất nghiệp của mình.

Ở những khu vực có nhiều dự án, kể cả hợp pháp và tự phát, cánh nhà giàu và người đầu tư đổ xô đến, tranh mua, giành bán. Vừa mua xong, người ta đã cắm bảng rao bán và yên tâm về nhà chờ. Hoàng và những người anh em tới, nhổ bỏ rồi thay bằng một bảng mới với số điện thoại của... chính mình.

Khi người tìm mua gặp mảnh đất vừa ý thì... điện thoại... trúng anh em trong “hệ sinh thái” của Hoàng. Cũng làm giá, cũng thêm, cũng bớt. Khi thấy con mồi cắn câu thì Hoàng mới gọi cho chủ đất thật sự. Rồi hẹn gặp hoặc tìm đến nhà. Gặp rồi thì nói thẳng, đất của anh, chị tôi đã bán giúp giá đó. Cũng vất vả làm giá, cũng năn nỉ người ta gãy lưỡi, bã bọt mép mới có giá đó. Bán cho ai cũng vậy, thôi, anh chị nể mặt tôi mà bán cho người ta; giá cả tôi ngã giá xong rồi. Giờ xin anh chị chút tiền công uống cà phê. Công ấy, có khi... cưa đôi tiền bán đất. Có chủ đất biết gặp phải Chí Phèo thì răm rắp nghe theo. Có chủ bướng bỉnh cự cãi thì Hoàng phải dùng bài đe dọa, khủng bố: Ông, bà - sau là mày - không bán cho người tao giới thiệu thì đừng hòng bán được cho ai.

Mà thằng Hoàng dọa được, làm được. Thật lạ, đất đai đường đường tọa lạc ở thành phố mà xã hội đen can thiệp, thao túng vào chuyện bán, mua dễ dàng như trở đôi bàn tay.

Với người mua, thằng Hoàng điện thoại giao dịch dạ thưa tử tế. Lúc hẹn gặp thì mặc áo sơ mi ca-rô dài tay, kín cổ, đúng kiểu con nhà lành nhưng thực chất để che chắn mấy hình xăm. Gặp khách có vẻ “kết” lắm rồi thì giở giọng nhã nhặn mà rõ tâm trạng nửa muốn bán, nửa muốn giữ cho thiên hạ thèm chơi: Đất ông bà già cho để cưới vợ nhưng bên nhà vợ cũng nhiều đất quá; em bán bớt lấy tiền về cất biệt thự cho rồi.

Gặp người mua có vẻ trông trước trông sau, kiểu ham chụp giựt kiếm ăn, Hoàng dùng giọng kích vào lòng tham thiên hạ: Đất ông, bà già mới cho nhưng em kẹt quá phải bán để xử lý tình thế gấp. Bán nhanh không ông, bà già biết là hỏng việc. Tiếc đứt ruột nhưng kẹt quá phải chịu, làm ăn mà! Thả mồi đến khi đối tượng cắn câu thì Hoàng trở mặt, hiện nguyên hình xã hội đen bảo kê. Chỉ với bấy nhiêu trò, cả người mua và người bán nếu đã lọt vào tầm mắt của Hoàng đều phải răm rắp đưa tiền cho Hoàng bỏ túi.

Ở những nơi xa trung tâm thành phố và vắng vẻ, đất đai có chủ nhưng bỏ hoang hoặc chưa kịp làm nhà, Hoàng và đồng bọn kéo nhau đến tự cất nhà lên ở. Nhà bé nhưng cất liền vài căn cạnh nhau. Chỉ cần bốn bức tường thấp tè, không tô, không mái hiên và lợp tôn tạm bợ, vậy là thành nhà. Trong căn nhà trống hoác, những kẻ to lớn, xăm trổ nằm đu đơ trên võng để chờ... chủ đất tới.

Nhiều chủ đất chỉ cần lơ là một, hai tuần, lúc đến đã thấy vài ngôi nhà mọc trên đất của mình. Trình báo chính quyền thì bị đe dọa, lại chẳng biết chính quyền có sức mà giải quyết mấy vụ tranh giành kiểu này không. Không chừng kiện được vạ thì má cũng sưng. Mà có lẽ ở nơi dù là thành phố nhưng vừa sâu, vừa xa nên chính quyền chẳng hay biết chuyện xây cất rành rành giữa ban ngày. Đập nhà bất hợp pháp của đám hộ pháp thì không dám. Vậy nên phải thương lượng.

Hoàng trổ tài ăn nói dẻo quẹo: Anh, chị bỏ hoang đất lâu quá, em đến trông coi giúp, cảm ơn em không hết còn trách gì. Giờ anh, chị về lại đất rồi, tụi em xin đi trả đất cho anh, chị. Anh, chị có giấy có tờ chủ đất, tụi em đâu dám làm bậy. Chỉ xin chút tiền bồi thường công trình và tiền trông coi đất để tụi em đỡ thiệt thòi. Chút tiền ấy, tùy thiện chí, tùy mặt mà bắt hình dong nhưng luôn gấp mươi, mười lăm lần tiền đầu tư cái gọi là công trình mà những kẻ tốt bụng như Hoàng dựng nên.

Nghe điều kiện, có người sốc; có người phản ánh ra chính quyền; người năn nỉ... xin bớt. Kiểu gì thì cuối cùng cũng phải nộp tiền cho bọn Hoàng. Người ta tặc lưỡi, mình lướt sóng, lời nhiều rồi, thí cho chúng nó một ít cho yên chuyện. Người không phải dân buôn bán đất thì tự nhủ, không nộp cho nó, đất của mình còn đấy, bán không được, ở không xong, hỏi có yên với chúng nó. Chính quyền nghe thông tin phản ánh thì cử người đến nơi, bọn Hoàng lại rút sạch, chẳng có căn cứ, cơ sở gì để xem xét, xử lý. Mà chính quyền còn bao việc, sức đâu... Bởi vậy, không vốn, không làm môi giới đất mà tiền từ đất vẫn chui vào túi Hoàng kìn kìn.

Vợ Hoàng, như mọi người đàn bà, muốn chồng thành đạt, thích ăn ngon mặc đẹp và đếm tiền chồng mang về. Nhưng thị cũng biết sợ, vì thị hiểu chuyện, hiểu luật nhân quả ở đời. Bản tính nông dân chân chất vẫn còn trong con người thị. Nhiều lần thị khuyên chồng làm ăn nên biết chặng dừng; khuyên bớt giao du với đám bạn dở người dở ngợm. Nhưng Hoàng đi xa quá rồi, say quá rồi và ảo tưởng về mình nhiều rồi. Ảo tưởng về sức mạnh của kẻ đầu đội trời, chân đạp đất, bất chấp luật pháp và luật đời.

“Hệ sinh thái” của Hoàng ngoài chuyện vừa làm cò vừa làm cướp còn tham gia vào việc đảm nhận giải quyết tranh chấp đất. Dân ngại kiện tụng ra chính quyền vì phải xác minh, làm rõ, hòa giải nhiều lần, kéo dài nhiều năm nên nhờ đến những người như Hoàng. Không cần biết đúng, sai, bên nào thuê Hoàng giải quyết là bên đó thắng.

Thành phố này còn vài nhóm khác cùng hoạt động. Nhưng nhóm nào cũng có nguyên tắc “lãnh thổ” rất rõ ràng nên việc ai nấy làm, cơm ai nấy ăn. Giang hồ mà đi “cắn nhau” chỉ có nước tất cả rủ nhau vào nhà đá. Biết người, biết ta nên ở thành phố hơn triệu dân này, nhóm nào cũng sống khỏe.
Không ngờ, đời lại có nhiều cách kiếm ra tiền đến thế.
Không ngờ, thiên hạ nhiều kẻ non gan thế.

Không ngờ, thằng Hoàng và vợ, con ngày từ quê lên phố nheo nhóc, đùm túm xe buýt; giờ mỗi lần về quê đều xênh xang, xúng xính Lexus. Ở làng, hầu như thanh niên bỏ quê lên phố. Người làm công nhân, kẻ buôn bán, anh bác sĩ, chị công chức... đủ nghề nhưng phất lên nhất vẫn là Hoàng, một kẻ học dốt, ít học nhưng nhiều cơ bắp. Có điều mẹ, cha có được nở mày nở mặt với thiên hạ hay không thì người ta không rõ, chỉ thấy hai ông bà già lúc nào cũng buồn buồn; đến độ tránh né cả lối xóm. Người ta cũng ngại dò hỏi. Ngại là phải, thằng Hoàng vui vẻ, khỏe mạnh, làm việc gì cũng giỏi ngày nào, giờ du côn hóa lâu rồi; mỗi lần thằng Hoàng đưa bạn bè về quê, đi cả đoàn xe rầm rầm rộ rộ, đứa nào đứa ấy như King - Kông, người ngợm chân tay vằn vện như thổ dân ở xứ sở nào, chỉ nhìn thôi đã thấy ngại. Hiếu kỳ, hỏi han mà làm gì, không cẩn thận lại mang họa vào thân.

Cứ tưởng trái đất này là của chúng mình; mình mặc sức tác oai tác quái, lộng hành, đâu ngờ có ngày. Việc đang thuận lợi, đang ăn nên làm ra thì một lần nữa đời lại gọi tên Hoàng.
Có Giám đốc Công an mới về tỉnh. Người mới là người không lạ bởi nổi tiếng vì có bàn tay thép và những chiến công với tội phạm. Không thể đùa được. Hoàng và đồng bọn tạm nín hơi, nghe ngóng tình hình và bàn kế đối phó. Nhưng ngưng một thời gian là đói. Cái nghề kiếm nhiều tiền là vậy, ráo mồ hôi là hết tiền. Trong khi nếp ăn xài của Hoàng đã quen. Thiếu tiền vô túi hằng ngày, thấy tay chân ngứa ngáy, thừa thãi, người bứt rứt, khó chịu.

Vợ Hoàng nhân lúc chồng thất thế càng có lý do khuyên chồng cải tà quy chính. Nhưng bằng cách nào, không lẽ lại xin về công ty để... thổi lá. Cũng may là vợ hắn đã có đường lui. Mấy năm, thị cũng tiết kiệm dành dụm được số vốn. Cả nhà về quê, trồng cấy, chăn nuôi như ngày nào, nhẹ bụng, nhẹ người, nhẹ đầu. Hoàng nghe, tức anh ách nhưng phải công nhận vợ có lý trong thời điểm hiện tại. Nhưng máu sĩ diện không cho phép Hoàng sớm đầu hàng. Vậy nên thống nhất mấy mẹ con trở về quê trước. Về cho đám nhỏ yên ổn học hành, Hoàng ở lại phố tính tiếp. Chị vợ nghe được về quê thì mừng như được vàng. Và Hoàng lại một lần nữa quăng thân vào gió bụi. Mà lần này bụi thật, bụi lãng nhách.

Một ngày, có hai kẻ đánh nhau trong quán. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm thì hai bên cùng gọi giang hồ đến để xử đối thủ. Đang lúc ở không, cạn tiền lại thừa thãi chân tay và “ngứa nghề”, Hoàng nhận lời và dẫn đầu một nhóm đến điểm hẹn. Tiền bỏ túi rồi, lệnh “xử đẹp” nhận rồi nhưng lúc giáp mặt, cả hai nhóm nhận ra là người quen, là anh em một thành phố. Xử không được, rút không xong, mặc cho người thuê mướn gào thét ra lệnh, hai bên chỉ có động tác duy nhất là phô trương cơ bắp và vây xe đối thủ.

Cuộc vây xe tự phát làm náo loạn, cản trở ách tắc giao thông suốt một đoạn quốc lộ. “Ngứa nghề” lâu ngày, nay gặp người cần đến cơ bắp của mình, Hoàng như cá gặp nước: Tới, lui, quát tháo, chửi thề, hoa chân múa tay, thị uy vào không khí.

Thông tin về một vụ giang hồ chạm trán giang hồ làm tê liệt giao thông tràn ngập các báo. Tin tức càng đặc biệt và rúng động hơn bởi những hình ảnh Công an đứng xen lẫn trong giang hồ nhưng không xử lý được giang hồ. Trong đó, hình ảnh Hoàng là nổi bật nhất, ấn tượng nhất và chỉ nhìn hình thôi, ai cũng hiểu ra vai trò của hắn.

Người bức xúc đặt những dấu chấm hỏi với chính quyền trong cách xử lý vụ việc. Người thận trọng cho rằng đó là cách xử lý khéo léo, tùy cơ ứng biến của lực lượng bảo vệ pháp luật trước một lực lượng giang hồ quá đông, quá manh động để tránh những hệ lụy và tránh xảy ra điểm nóng. Nhưng dù suy nghĩ theo hướng nào, người ta xem như đó là một vụ việc điển hình của tình trạng coi thường kỷ cương, phép nước cần phải xử lý nghiêm minh để làm gương.

Vợ Hoàng hiểu về một ngày tàn đã đến. Tìm một lý do hợp lý, thị kéo được chồng về quê. Không khí ấm áp của gia đình; niềm vui của cha mẹ già khi đón con trai trở về; sự yên ả của làng quê khiến lòng Hoàng chùng xuống. Nhưng những thông tin, bình luận trên các trang báo, trang mạng làm Hoàng giật mình. Và hắn thấy mình đã biết sợ, biết lo. Lo là bởi công an đã hoàn thành việc điểm danh Hoàng. Chẳng cần gọi hỏi, chứng cứ cũng đã đủ; những đơn tố giác cũng đã nhiều. Và lệnh bắt được ký sau ba tuần. Không khó khăn để công an tìm thấy và thộp cổ Hoàng.

Khi ấy, đã chớm hè. Hoàng đang dạy con trai lớn làm và buông diều. Lâu lắm, bàn tay quen với chuyện chỉ trỏ, đánh đấm, xách mã tấu và múa côn của Hoàng lại chạm đến nhưng que tre, sợi nan, giấy và hồ. Thấy lòng mình dịu lại, nhẹ nhàng. Hoàng thủ thỉ cùng con và ngạc nhiên với chính mình. Con nhìn này, nan phải thật mỏng để không làm cánh diều bị nặng nề mà chao đảo khi bay lên không trung; khung tre phải cân đối hai đầu để diều giữ thăng bằng; giấy dán phải đủ chắc để không bị gió trên cao giật tung; giây phải đủ dẻo dai và dài... Cũng như con, rồi con sẽ lớn, sẽ đi xa nhà, xa mẹ cha; đường đời con đi sẽ dài dằng dặc như cuộn dây dù này; sẽ có sóng gió làm con chao đảo nên con phải có đủ mềm mỏng, đủ chắc chắn, dẻo dai và bản lĩnh; mọi sai lầm đều phải trả giá, vậy nên con phải giữ được cân bằng cho chính mình như chính những vật liệu làm nên cánh diều của cha...

Và cánh diều thành hình, nhỏ bé, duyên dáng như một vầng trăng khuyết xa xa. Con biết không, chỉ tiếc là lần này còn thiếu một ống sáo. Lần sau, ba sẽ làm và cài thêm một ống tre. Ngọn gió sẽ thay chàng Trương Chi thổi vào ống sáo những âm thanh trầm bổng của mùa hè. Để con biết tiếng vi vút của sáo diều tuyệt vời như thế nào...

Hai cha con đang say sưa cùng diều và sáo thì có hai thanh niên đến nhập cuộc vui. Họ làm như để xem thả diều, nhưng nhìn dáng vóc, tác phong và ánh mắt, Hoàng hiểu hết cả. Hắn thu diều, nhìn cậu con trai mười lăm tuổi rồi lại nhìn hai người mới đến, vẻ nài nỉ. Và cả hai người dường như đã hiểu rõ bởi họ cùng nhìn Hoàng, gật gật đầu. Đưa cánh diều và cuộn dây cho con trai, hắn nói nhỏ thôi nhưng gấp gáp và giục giã. Con về, chở em cùng qua Ngoại. Ba quên mất, Ngoại có hẹn gặp hai anh em con bên nhà. Về, đi nhanh lên nghe con.

Nghe con trai dạ ran rồi chào hai người khách và vụt đi, hắn vẫn còn kịp nhìn con trai, âu yếm mỉm cười trước khi thấy mình như bước vào một cơn mộng du, người cứ bềnh bồng, bềnh bồng. Đợi một lát, cho cơn xúc động lắng xuống và chắc chắn hai con đã rời khỏi nhà, hắn quay sang hai người thanh niên, nói nhỏ nhưng dứt khoát, như thể hắn đã chờ để nói câu này từ rất lâu: Vâng, tôi xin chấp hành mọi yêu cầu của các anh!

Trâm Oanh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Rời khỏi thành phố

An Mi |

1.
Tháng ba.
Vậy là cuối cùng ngày ấy cũng đến. Tiến và Lan đều bị sa thải trong đợt thứ hai này. Tôi biết điều đó dù cả hai người không ai nói lời nào.
Hơn tuần nay, lần lượt những hàng xóm của hai người họ trong khu trọ đã chọn về quê để bớt nặng đầu. Công việc bị mất, chẳng còn lương nữa, mà chịu thêm tiền trọ thì chắc chết đói.

Truyện ngắn dự thi: Con đường của Hạ

Phương Trà |

Ngày Hạ tới xóm Cây Xoài, trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng, ở quê người ta kêu là gió Nam cồ. Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ. Lạ nhứt là cái giọng bẳn hẳn, nặng nặng của bà chủ nhà trọ: “Một triệu đồng! Giá rẻ bèo cho nên đừng có trả. Tháng nào đóng tháng nấy, thong thả thì sáu tháng đóng một lần”.

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Từ Cánh diều tới Bông sen: Liệu có những cú đúp của điện ảnh Việt?

trần Việt |

Tấm màn nhung của lễ trao giải Cánh diều đã khép lại, các giải thưởng đã được trao và chỉ còn hai tháng nữa, liên hoan phim quốc gia sẽ khai mạc. Trong 1 năm khi cùng lúc hai giải thưởng quan trọng nhất của điện ảnh được trao - liệu có cú đúp thành công hay những cái tên mới kịp xuất hiện tạo nên bất ngờ.

“Cuộc chiến” giữa phim triệu USD và phim nghệ thuật ở Cánh diều Vàng

Mi Lan |

Giải thưởng Cánh Diều Vàng (hay còn gọi là giải Cánh Diều) của Hội Điện ảnh trong nhiều năm được ví là “cuộc chiến” giữa những tác phẩm triệu USD ăn khách và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật nhưng kén khán giả.

"Diễn viên triệu USD" Thái Hòa nhiều lần không có mặt nhận giải Cánh Diều

Bình An |

Thắng cú đúp giải thưởng ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc cả thể loại điện ảnh lẫn truyền hình nhưng diễn viên Thái Hòa không có mặt trong đêm trao giải.

Quỳnh Kool: Từ “hot girl kem xôi” đến Cánh diều Vàng

Huyền Chi |

Giải thưởng Nữ chính xuất sắc phim truyền hình là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Quỳnh Kool trong nhiều năm qua.

Đạo diễn đoạt Cánh Diều Vàng từng là diễn viên ở phim Việt được CNN bình chọn xuất sắc

Minh Huệ |

Tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2023, hạng mục đạo diễn truyền hình xuất sắc nhất đã thuộc về đạo diễn Trịnh Lê Phong với bộ phim "Anh có phải đàn ông không?".

Truyện ngắn dự thi: Rời khỏi thành phố

An Mi |

1.
Tháng ba.
Vậy là cuối cùng ngày ấy cũng đến. Tiến và Lan đều bị sa thải trong đợt thứ hai này. Tôi biết điều đó dù cả hai người không ai nói lời nào.
Hơn tuần nay, lần lượt những hàng xóm của hai người họ trong khu trọ đã chọn về quê để bớt nặng đầu. Công việc bị mất, chẳng còn lương nữa, mà chịu thêm tiền trọ thì chắc chết đói.

Truyện ngắn dự thi: Con đường của Hạ

Phương Trà |

Ngày Hạ tới xóm Cây Xoài, trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng, ở quê người ta kêu là gió Nam cồ. Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ. Lạ nhứt là cái giọng bẳn hẳn, nặng nặng của bà chủ nhà trọ: “Một triệu đồng! Giá rẻ bèo cho nên đừng có trả. Tháng nào đóng tháng nấy, thong thả thì sáu tháng đóng một lần”.

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Từ Cánh diều tới Bông sen: Liệu có những cú đúp của điện ảnh Việt?

trần Việt |

Tấm màn nhung của lễ trao giải Cánh diều đã khép lại, các giải thưởng đã được trao và chỉ còn hai tháng nữa, liên hoan phim quốc gia sẽ khai mạc. Trong 1 năm khi cùng lúc hai giải thưởng quan trọng nhất của điện ảnh được trao - liệu có cú đúp thành công hay những cái tên mới kịp xuất hiện tạo nên bất ngờ.

“Cuộc chiến” giữa phim triệu USD và phim nghệ thuật ở Cánh diều Vàng

Mi Lan |

Giải thưởng Cánh Diều Vàng (hay còn gọi là giải Cánh Diều) của Hội Điện ảnh trong nhiều năm được ví là “cuộc chiến” giữa những tác phẩm triệu USD ăn khách và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật nhưng kén khán giả.

"Diễn viên triệu USD" Thái Hòa nhiều lần không có mặt nhận giải Cánh Diều

Bình An |

Thắng cú đúp giải thưởng ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc cả thể loại điện ảnh lẫn truyền hình nhưng diễn viên Thái Hòa không có mặt trong đêm trao giải.

Quỳnh Kool: Từ “hot girl kem xôi” đến Cánh diều Vàng

Huyền Chi |

Giải thưởng Nữ chính xuất sắc phim truyền hình là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Quỳnh Kool trong nhiều năm qua.

Đạo diễn đoạt Cánh Diều Vàng từng là diễn viên ở phim Việt được CNN bình chọn xuất sắc

Minh Huệ |

Tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2023, hạng mục đạo diễn truyền hình xuất sắc nhất đã thuộc về đạo diễn Trịnh Lê Phong với bộ phim "Anh có phải đàn ông không?".