Truyện ngắn dự thi: Rời khỏi thành phố

An Mi |

1.
Tháng ba.
Vậy là cuối cùng ngày ấy cũng đến. Tiến và Lan đều bị sa thải trong đợt thứ hai này. Tôi biết điều đó dù cả hai người không ai nói lời nào.
Hơn tuần nay, lần lượt những hàng xóm của hai người họ trong khu trọ đã chọn về quê để bớt nặng đầu. Công việc bị mất, chẳng còn lương nữa, mà chịu thêm tiền trọ thì chắc chết đói.

Tiến và Lan là đôi vợ chồng trọ ở khu tôi lâu nhất. Họ đến thuê chỗ khi mới cưới nhau mấy tháng, và đi làm cùng một công ty. Khi mẹ tôi qua Mỹ sống với anh chị Hai, giao khu trọ cho tôi quản lý, thì đôi vợ chồng này đã có hai con. Hai đứa trẻ được sinh ra ở thành phố, nuôi đến 6 tháng thì gửi về quê cho bà nội chăm. Họ chỉ về thăm nhà mỗi dịp Tết Nguyên Đán, còn hè, bà nội dẫn bọn nhỏ lên thăm cha má.

Mười năm ròng rã, nếp sinh hoạt đó không thay đổi.

Hôm ấy, khi tôi gõ cửa, đưa giấy báo tiền trọ thì Lan buồn bã chào về:
"Chị ở lại mạnh giỏi. Đợt này, em về luôn".
"Hai đứa mất việc rồi hay sao?"
"Dạ, em về chăm bọn nhỏ, để ảnh ở lại kiếm coi có việc gì làm không..."

Tiến trầm ngâm:
"Ở đây còn kiếm được tiền, chứ về quê, khó lắm!".

Hôm ấy, tôi thấy Lan đếm được hai mươi ba triệu thì Tiến đã ngắt ba triệu rưỡi đưa cho tôi:
"Em gửi chị tiền tháng này. Chắc tháng sau chỉ dám mở đèn thôi quá, tắt bớt quạt cho đỡ tiền".

Tôi đưa họ lại năm trăm ngàn. Cầm số tiền hai mươi triệu trên tay, Lan khóc. Tiến xoa vai vợ, nhưng mắt đã ngầu đỏ.
"Giờ về quê liền hay sao anh?"
"Ừ, về lo cho thằng Bi với con Lan Anh. Để anh lo kiếm việc làm..."

Đó là lần đầu tiên họ không về cùng một chuyến xe, sau hơn mười năm lên thành phố làm công nhân.

2.
Tháng tư.
Những con đường Sài Gòn đổ lửa. Tiến đăng ký làm tài xế xe công nghệ được ba tuần, thì bị mất xe.
"Xui gì mà xui tận mạng! Em thấy buồn quá chị!".
Tôi nhìn gương mặt mệt mỏi của Tiến, khi không bị lây ngang nỗi buồn khách trọ.

Chiều đó, lúc mang tô canh chua qua cho, từ xa, tôi đã nghe tiếng cười sang sảng của Tiến. Mới định vui theo, thì con nhỏ phòng giữa dãy đã thò đầu ra nói nhỏ:

"Ổng cười vậy thôi, chứ rầu thúi ruột đó chị! Xe mất mà nói với vợ là chạy ngày nào cũng mấy trăm... Mệt thiệt!"

Tôi đứng ngoài cửa, nghe Tiến nói với Lan qua điện thoại:
"Đừng lo, hôm nay gặp khách sộp, anh kiếm cũng khá."
"Em nhớ lo cho thằng Bi với con Lan Anh ăn uống ngon ngon một chút, giờ mới có dịp ở lâu bên tụi nhỏ".

Tiến cười với hai đứa con qua màn hình điện thoại. Nhưng tụi nhỏ hình như không vui mấy. Tiếng con bé Lan Anh mếu máo:
"Cha về đây với tụi con đi. Con nhớ cha quá à!".
Tiến ngước lên thấy tôi, thì cúp máy, khiến tiếng thút thít của Lan bị chặn ngang.

Khu trọ tôi quản lý phòng nào cũng chỉ mười hai mét vuông, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Thấy mọi người mất việc nhiều, tôi quyết định giảm mỗi phòng năm trăm ngàn. Tiến nói với tôi sẽ bỏ ống heo, không đụng tới, nhưng nói hôm trước thì hôm sau đã bị mất xe. Vét hết túi, còn đúng ba triệu, Tiến định mua trả góp, nên nhờ tôi đi cùng ra cửa hàng xe máy gần nhà. Đến nơi, nhìn hàng xe cũ dựng dày trước sân, Tiến rụt rè hỏi:

"Có xe nào góp, mà tiền đợt đầu hai triệu mấy không anh?"
"Có chứ, chiếc Wave này nè, chạy tiết kiệm xăng, máy cũng ngon".

Tần ngần một lúc, Tiến chọn chiếc Future.
"Xe này còn mới, chạy mới mười bốn ngàn mấy cây, chú em chọn đúng rồi, nhưng tiền hơi cao đó".

Vậy là con heo bị đập nát cho khoản đóng trước ba triệu rưỡi. Tiến phải góp mười hai tháng.

Từ đó Tiến bám xe bất di bất dịch, ăn và ngủ trên xe, chỉ rời ra lúc về phòng trọ, sau khi đã khóa hai cái ổ khóa to ở mỗi bánh xe.

3.
Tháng bảy.
Lan gọi nói thằng Bi bị sốt xuất huyết, đang nằm ở bệnh viện huyện, bảo Tiến gửi tiền về mua thuốc.
"Thằng nhỏ có bảo hiểm, thuốc thì phải mua mấy loại bên ngoài, vì bệnh viện hết thuốc rồi".

Vậy là tiêu đứt năm triệu mới được hãng xe chuyển, nhưng Tiến nói với tôi không tiếc tiền mà lo cho thằng con. Không biết thằng Bi giờ sao rồi, Tiến nhớ quay quắt cái thân hình gầy nhẻm, đen thui của nó.

Đêm đó, gọi điện mấy cuộc liền mà Lan không bắt máy, Tiến sốt ruột bấm chuông nhà tôi:
"Em về quê coi sao, con vợ em gọi hoài không bắt máy, sốt ruột quá chị !"
"Chở chị theo được không, có gì chị phụ một tay."
Tiến gật đầu luôn, chắc vì không nghĩ thêm gì được nữa.

Hai chị em cứ thế xuyên đêm. Đến gần thị trấn Búng Tàu, Tiến xin nghỉ mệt. Vừa rời xe, ngồi xuống vệ đường, tự dưng Tiến bật khóc ngon lành.

"Em... em bất lực quá chị! Thằng con em mà vô bệnh viện thì còn lòi ra nhiều bệnh nữa... Làm sao đây?!"
"Bình tĩnh, mình giải quyết từ từ thôi em".

Ba giờ sáng, trời vẫn còn khá tối, bỗng sau lưng tôi nghe có tiếng hỏi:
"Ai như thằng Tiến con ông Năm mè phải không bây?"
"Trời, bà Tư đi đâu giờ này vậy?"
"Tao qua nhà mày nè, phải coi con bé Lan Anh cho má mày lên viện, phụ vợ mày chăm thằng Bi."

Tiến chùi nước mắt, phóng đi trước, để tôi đi với bà Tư đi bộ về nhà.

Chiều đó, thằng Bi khóc không thành tiếng khi thấy cha. Má Tiến nhìn cảnh đó không chịu được, mới đi ra ngoài, đứng lau nước mắt sau cánh cửa nhôm. Tôi nghe bà nói:

"Con Lan, chắc vài bữa bàn với thằng Tiến coi sao. Tao thấy hai đứa bây nên về đây làm ăn luôn đi, chứ cháu tao có cha có má mà như mồ côi vậy?!"

Nghe má chồng nói tới đó, Lan òa lên khóc, càng lúc càng tức tưởi. Tiến ở trong phòng nghe thấy, phải chạy ra ngoài đưa tay suỵt suỵt mấy lần.

"Hai người thôi đi! Để tui thu xếp. Giờ lo cho thằng Bi đã."

4.
Tôi ở hai ngày, thì đã chứng kiến hết hơn ba bữa cơm chan nước mắt. Lần đầu là Lan khóc vì biết chuyện mất xe, rồi má Tiến khóc vì thương cháu nội, cuối cùng là bà Tư khóc, vì thương hàng xóm.

Tiến chỉ đỏ mắt, im lặng nhìn mọi người khóc, rồi ra sân ngồi nhìn sông.

"Đợt dịch rồi, tụi em tưởng sinh ly tử biệt, vẫn không bế tắc như lúc này".
"Qua khó khăn rồi tới lúc thuận thôi mà".
"Lâu á chị. Tụi nhỏ còn đóng tiền học, còn ăn, còn mặc. Xui xui bệnh như thằng Bi mấy bữa rày là mệt..."

Tôi không là người trong cuộc, nên chỉ quan sát, và thương cảm, chứ không thấm hết được những nỗi niềm. Tuy vậy, tôi vẫn phải nói điều mình nghĩ:
"Tiến, Lan, cho chị nuôi phụ hai đứa con bé Lan Anh được không?"
"Hả?"

Má Tiến kêu lên rõ to, trong khi Lan xua tay:
"Chị ơi, không được đâu chị!"
Tiến vỗ vai an ủi vợ, từ tốn đáp lại tôi:
"Em biết chị thương nên nói vậy, nhưng chị cứ để tụi em cố gắng! Dù gì, tụi em cũng làm cha má hai đứa nó".

5.
Hôm sau, bệnh thằng Bi đã thuyên giảm bảy tám phần, bác sĩ cho gia đình đưa về theo dõi. Tôi nhìn thằng Bi quyến luyến cha nó, nắm không chịu buông tay, lòng tự dưng chùng xuống:
"Để chị ra lộ đón xe về. Em ở lại với thằng Bi mấy bữa nữa đi!"

Lan không chịu, quả quyết:
"Để anh Tiến ở với thằng Bi đi. Em chở chị về".
"Nữa rồi đó, bà tay lái yếu, ra quốc lộ không được đâu!"
"Đừng có gàn, xui! Để tôi đi. Ông chơi với thằng Bi cho con nó vui, mau hết bệnh".

Lan hôn hai đứa nhỏ, con bé Lan Anh không biết ai bày biểu, đến nắm tay tôi, nói:
"Cha má con không muốn xa con, chứ con cũng muốn lên ở với má Hường lắm. Má Hường đi mạnh giỏi!"

Mấy ngày không khóc, tự dưng nghe con bé nói, tôi khóc ngang. Thấy tôi xúc động chưa chịu leo lên xe, má Tiến tới ôm vai tôi, nói nhỏ:
"Dù có khó cỡ nào, đẻ con ra là phải nuôi nấng dạy dỗ cho đàng hoàng, mới là con người. Cô đi mạnh giỏi. Chuyện tụi nó, tôi cũng phụ một tay, hổng sao đâu."

Hôm ấy, Lan chở tôi về một mạch, bốn tiếng bám mông trên xe máy. Tôi giữ Lan lại ngủ một đêm, vì đi đường khuya không an toàn.

Buổi sớm mai, khi đứng trên ban công nhà cùng tôi ngắm mặt trời, Lan cười:
"Đẹp quá chị! Hồi xưa đi làm sớm, được ngày nghỉ thì ngủ nướng nên em ít khi ngắm mặt trời lắm."

Tôi lấy xe, kêu Lan ngồi phía sau, chở đi dạo một vòng thành phố. Đi mới ba bốn cây số, đã nghe Lan reo lên:
"Trời, thành phố đẹp ghê á! Em mang tiếng ở đây hơn mười năm, mà không biết mấy chỗ này."

Tôi thấy chạnh lòng, nhớ lại cái dáng leo lên xe tất tả mỗi sáng của Lan. Giờ thì chẳng còn thấy lại dáng vẻ đó.
"Nhưng em thà bận không biết mấy cảnh đẹp này, còn hơn thong thả như vầy... Không có tiền là tệ nhất với em."

Khi tôi ghé quán bún bò ăn sáng, nghe thấy tô bún năm mươi ngàn, Lan khựng lại vài giây.
"Chị ơi, mắc quá!"

Tôi không nói gì, lặng lẽ đưa đũa cho Lan. Hơn một năm nay, năm mươi ngàn đã trở nên to với nhiều người, tôi cũng không ngoại lệ.
"Đôi khi biến cố làm mình thay đổi tốt hơn đó chị. Em giờ làm ô-sin, bán hàng phụ người ta ở chợ để kiếm tiền nuôi con, tự dưng thấy mình có thể làm được nhiều chuyện."

"Ừ, ai rồi cũng thích nghi hết em ạ."
Trưa hôm đó, nhìn Lan hòa vào dòng người xe, tôi thấy lòng đầy những suy tư.

Lan và Tiến, họ cũng như những thanh niên nông thôn khác, luôn nhìn về thành phố với rất nhiều ánh sáng. Nhiều năm trời bán sức lấy tiền, họ cũng đã có cho mình chút vốn liếng, cũng kịp nuôi một vài giấc mơ đẹp, nhưng chẳng ai lường được ngày mai.

Khi Lan và Tiến không còn được thành phố chào đón, họ buộc phải quay về quê nhà, đối diện với những giấc mơ dở dang, và nhiều khó khăn.

Nhưng tôi biết họ rồi cũng sẽ vượt qua, như cách Tiến nhìn tôi nói:
"Chị cứ để tụi em cố gắng! Dù gì tụi em cũng là cha má của tụi nó!"

Ừ, mong sao tới lúc hai đứa con Tiến lớn, chúng sẽ có được một giấc mơ tròn vẹn hơn, như những cung đường miền Tây đang dần kết nối, đẹp lên mỗi ngày sau mười mấy năm ì ạch. Một thế hệ đã đi qua, không nên lãng phí thêm người nữa.

 
An Mi
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Con đường của Hạ

Phương Trà |

Ngày Hạ tới xóm Cây Xoài, trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng, ở quê người ta kêu là gió Nam cồ. Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ. Lạ nhứt là cái giọng bẳn hẳn, nặng nặng của bà chủ nhà trọ: “Một triệu đồng! Giá rẻ bèo cho nên đừng có trả. Tháng nào đóng tháng nấy, thong thả thì sáu tháng đóng một lần”.

Truyện ngắn dự thi: Nước phở

Hoàng Hải Lâm |

Mất điện, trời tối om. Cô Thuần lấy vội chiếc nắp đậy xô chứa nước phở. Bé Thoa giúp việc bật đèn điện thoại kiểm tra lại cái xô. Có gì đó động đậy trong nước, nó gọi cô Thuần khi phát hiện ra một con nhái bằng hai ngón tay đang vẫy vùng. Cô Thuần vớt con nhái ra, mặt buồn thiu, cô quẳng đôi đũa rồi ngồi xuống ghế, mặt chực khóc.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.