Các chương trình hẹn hò thực tế nổi tiếng như "Heart Signal" hay "Single's Inferno" tạo nên cơn sốt toàn cầu và khiến không ít người nhầm tưởng rằng các mối quan hệ tình cảm ở Hàn Quốc đẹp đẽ và ngọt ngào như trên phim truyền hình.
Tuy nhiên, tờ Korea Times cho biết, trên thực tế, các chương trình truyền khai thác cuộc sống vợ chồng lại cho thấy thực trạng khác.
Điển hình, chương trình "My golden kids" gây xôn xao khi khai thác câu chuyện giáo dục những đứa trẻ ngỗ nghịch. Không ít lần, những đứa trẻ tham gia chương trình gây sốc khi nói tục, khó bảo, thậm chí sử dụng bạo lực với bố mẹ.
Sau đó, các chuyên gia tâm lý đã vào cuộc để điều chỉnh hành vi, hướng dẫn cha mẹ nuôi dạy, chỉ bảo con cái.
Khi nhận được sự tư vấn của chuyên gia, các em đều có chuyển biến tốt, nhưng khán giả cho biết họ lo lắng, hoang mang khi việc nuôi dạy trẻ con ngày càng phức tạp, khó khăn.
Trong chương trình "Oh Eun-young Report: Marriage from Hell" làm theo format theo dõi cuộc sống hàng ngày của các cặp đôi rạn nứt tình cảm. Người xem có thể thấy sự mâu thuẫn và xung đột của nhân vật, trong đó có cả những cảnh họ cãi cọ, đôi co.
Ngay cả trong những chương trình không nói về những cuộc hôn nhân tan vỡ, bất đồng quan điểm vẫn là vấn đề hiện hiện hữu trong mối quan hệ vợ chồng.
Show thực tế "Mr. House Husband" làm về những người đàn ông phụ trách việc nhà và chăm sóc con cái. Dù vậy, những ông chồng vẫn có những lần cãi nhau gay gắt với vợ.
Theo Korea Times, những chương trình truyền hình này có thể dẫn đến những hậu quả xã hội nghiêm trọng và khó lường. Nhiều khán giả cho biết họ bắt đầu sợ kết hôn và nuôi dạy con cái sau khi xem những chương trình này. Và rồi họ cân nhắc đến việc sống độc thân và không sinh con.
Mặt khác, những chương trình này cũng giúp người xem hiểu thêm về những khó khăn trong đời sống hôn nhân để họ có sự chuẩn bị về mặt tinh thần trước khi kết hôn.
Kim Sung-hee, giảng viên tại Đại học Yonsei, giải thích tác động tâm lý của những chương trình này đối với người xem: "Khi mọi người xem những chương trình này và thấy những tương tác tích cực giữa gia đình trên màn ảnh, họ có xu hướng nảy sinh mong muốn cá nhân được kết hôn và ngược lại, khi các phương tiện truyền thông tập trung quá nhiều vào các khía cạnh tiêu cực của hôn nhân và chăm sóc con cái, mọi người có thể bị ảnh hưởng dù họ vẫn chưa trải nghiệm".
Các chương trình truyền hình đóng vai trò giải trí và không nên tạo ra áp lực hay khiến người xem lo lắng. Đối với các chương trình về gia đình, đó cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ trong hôn nhân.
Như nhiều bậc cha mẹ đã chứng thực, "Nuôi dạy con cái thật vất vả, nhưng rất đáng giá".