Mới đây trên trang cá nhân, Đen Vâu thông báo anh vừa gửi đến quỹ Nuôi Em số tiền 500 triệu đồng từ doanh thu của ca khúc "Nấu ăn cho em" trên YouTube.
Nam nghệ sĩ chia sẻ minh bạch số liệu các nguồn thu, đính kèm cả minh chứng giao dịch, quy đổi lượng view...
Riêng trên YouTube, doanh thu nhận về từ MV "Nấu ăn cho em" là 17.951 USD (418,1 triệu đồng).
Tròn 1 tháng ra mắt, "Nấu ăn cho em" vượt mốc 18 triệu view. Khán giả tính toán, nếu lấy tổng doanh thu YouTube chia cho lượt view, trung bình mỗi lượt xem mang về 34 đồng.
Trước đó, trang phân tích SocialBlade ước tính trong 1 tháng, kênh YouTube của Đen Vâu mang về tổng cộng hơn 32.96 triệu view. Doanh thu được ước tính khoảng 8.200 USD đến 131.800 USD (khoảng 190 triệu đồng - 3.3 tỉ đồng).
Trên thực tế, con số mà Đen Vâu công bố thấp hơn nhiều so với tính toán của SocialBlade. Tuy nhiên, YouTube vẫn là "mỏ vàng" giúp các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung làm giàu, có thu nhập khủng.
Chi Pu, Sơn Tùng M-TP, Đức Phúc, Amee, Hồ Ngọc Hà... đều là những cái tên sở hữu kênh YouTube thu hút lượt xem, đăng ký khủng. Mỗi lần phát hành ca khúc mới, họ hướng đến một mục tiêu quan trọng - lọt vào Top Trending của YouTube.
Nhiều năm trở lại đây, các MV triệu view, lọt Top Trending ở Việt Nam đều có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn.
Giữa bối cảnh tổ chức liveshow cần đến kinh phí lớn, thị trường bán album bão hòa, việc sản xuất MV lọt top trending trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả của giới ca sĩ, đồng thời vẫn giúp họ quảng bá được sản phẩm âm nhạc rộng rãi.
SCMP đánh giá, các MV ca nhạc - hay còn gọi là hình thức Music Marketing - hiện là kênh quảng cáo rất hiệu quả cho các thương hiệu.
So với giá mua quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc tài trợ cho các nghệ sĩ sản xuất MV có chi phí rẻ hơn nhiều. Đồng thời, hiệu ứng từ các ngôi sao giúp MV (trong đó có hình ảnh về nhãn hàng) tồn tại lâu hơn, tiếp cận đối tượng công chúng rộng hơn.
Toni Eagar, giảng viên tại Đại học Quốc gia Úc nhận định: “Khi nội dung MV và sự tác động của nhãn hàng được sắp xếp chặt chẽ, khán giả sẽ không cảm thấy giá trị của ca khúc bị thương mại hóa. Còn nếu mọi thứ quá lộ liễu và vô lý, khán giả sẽ hiểu đó là chỉ là sự hợp tác có trả phí”.
Bên cạnh đó, lượt xem cao cũng được coi là một thước đo sự nổi tiếng của nghệ sĩ. Từ hàng triệu lượt view "ảo", các ngôi sao sẽ "đắt show" hơn, tăng danh tiếng ngoài đời thực.
Sự kết hợp giữa âm nhạc và truyền thông đang đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Những giai điệu bắt tai, gây sốt trên mạng xã hội góp phần quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh và truyền tải thông điệp của một thương hiệu cụ thể.
Theo tờ Business Insider, khi tham gia chương trình Đối tác của YouTube, nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm được 55% doanh thu từ quảng cáo do Google đặt trên video của họ. Điều kiện để tham gia chương trình này là kênh phải có ít nhất 1.000 người đăng ký và 4.000 giờ xem video.
Bắt đầu từ năm 2023, những nhà sáng tạo nội dung chỉ cần đạt 10 triệu lượt xem trong 90 ngày trên nền tảng video ngắn (Shorts) của Youtube cũng có thể tham gia chương trình đối tác.
Trên thực tế, số tiền mà YouTube "thanh toán" cho các nhà sáng tạo nội dung có sự khác biệt giữa các khu vực. Ở những quốc gia như Mỹ hoặc Úc, trung bình các YouTuber có thể nhận được số tiền lên tới 5 - 8 USD cho 1.000 lượt xem.