Theo YTN Star, ca từ của “Cookie” gây tranh cãi khi một số khán giả cho rằng, ca khúc ẩn dụ nội dung liên quan đến tình dục. Thậm chí, một phiên dịch viên người Hàn khẳng định, “cookie” là tiếng lóng tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ.
Ngày 27.8, công ty quản lý NewJeans, ADOR - trực thuộc tập đoàn HYBE đã chính thức lên tiếng khẳng định “Không có nghi ngờ gì về lời bài hát của Cookie”.
“Cookie” đại diện cho âm nhạc của NewJeans
Theo ADOR, “Cookie” là ca khúc thể hiện sự tự tin vào định hướng âm nhạc của NewJeans.
Thứ tự các ca khúc trong album “NewJeans” sắp xếp có chủ đích, câu chuyện lần lượt được kể qua 3 ca khúc chủ đề “Attention”, “Hype Boy”, “Cookie” và ca khúc b-side “Hurt”, nhằm phản ánh mối quan hệ giữa nghệ sĩ - người hâm mộ, nhà cung cấp - người tiêu dùng.
Ca khúc mở đường "Attention" giới thiệu một cách tổng quát về màu sắc âm nhạc, phong cách đầy phóng khoáng của NewJeans.
“Hype Boy” lại tập trung vào khai thác cụ thể cá tính 5 cô gái, thông qua các phiên bản MV khác nhau. Vũ đạo tự do, độc đáo của nhóm được phô diễn ở mỗi cuối MV theo cách diễn giải không giới hạn của từng thành viên.
Trái ngược với sự nhấn mạnh vũ đạo trong “Hype Boy”, “Cookie” tập trung vào âm nhạc. “Cookie” dựa trên ý tưởng về sự tương đồng giữa hình ảnh đĩa CD và chiếc bánh quy.
ADOR cho biết, “Cookie” thể hiện định hướng âm nhạc táo bạo của NewJeans với giai điệu mới lạ, độc đáo, thường không được ưa chuộng trong các nhóm nhạc nữ Kpop.
Bánh quy chỉ là món tráng miệng/ đồ ăn nhẹ, không phải món chính thiết yếu. Nhưng đó sẽ là chiếc bánh “ngon”, tự tin có thể chinh phục đại chúng để trở thành một món không thể thiếu. Âm nhạc của NewJeans cũng vậy, là chiếc bánh quy đặc biệt, có giá trị và chỉ có thể tìm thấy ở ADOR.
Ý tưởng này còn được thể hiện trong chính MV “Cookie”. MV mở đầu với hình ảnh chiếc bánh quy và kết thúc bằng hình ảnh chiếc đĩa CD ra mắt.
Thậm chí, công ty hiện thực hóa ý tưởng này ngoài đời bằng cách sản xuất túi vải đựng đĩa CD giống như một gói bánh quy tròn.
CEO Min Hee Jin từng chia sẻ, cái tên NewJeans lấy cảm hứng từ hình tượng quần jeans, đã vượt qua thử thách thời gian để trở thành trang phục phổ biến trong văn hóa đại chúng.
Giống như món tráng miệng - “Cookie” - ngày càng nhiều người tìm đến, sẽ khiến chúng trở thành yếu tố không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày.
NewJeans cũng chứa đựng khát vọng và quyết tâm trở thành biểu tượng của thời đại - điều mà mọi người không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi nhắc đến.
“Cookie” có phải tiếng lóng hay không?
ADOR cho biết, công ty đã tham khảo ý kiến của các giáo sư tiếng Anh, chuyên gia phiên dịch/ dịch thuật, người bản xứ và người nước ngoài bình thường để tìm hiểu nghĩa của từ “cookie”.
Theo quan điểm của họ, “cookie” không phải một tiếng lóng phổ biến mang nghĩa tình dục, một số người khi được hỏi đến từ này đã phải tra cứu vì bản thân không quen với nó.
Chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, việc diễn giải từ ngữ phải kết hợp giữa kinh nghiệm chủ quan, sự kiện khách quan, cũng như bối cảnh của trường hợp.
“Cookie” thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả trong nội dung dành cho trẻ em. Chẳng hạn như truyền thống bán bánh quy của hội Nữ Hướng đạo Mỹ (Girl Scout - tổ chức thanh thiếu niên dành cho nữ).
Tờ quảng cáo cũng viết: “Get your Girl Scout Cookies before it’s too late! Ask my daughter today” (Hãy mua bánh quy Girl Scout trước khi quá muộn! Hãy hỏi con gái của tôi ngay hôm nay!).
Về lời đồn “Cookie” được viết lời bởi nam giới, công ty khẳng định, ca khúc do hai người phụ nữ nói tiếng Anh tầm tuổi 30 (một người Hàn Quốc và một người Thụy Điển) viết. Sau đó được dịch bởi một phụ nữ Hàn Quốc biết song ngữ Anh - Hàn.
ADOR tôn trọng ý kiến đóng góp thiện chí của công chúng, nhưng kiên quyết lên án những người lợi dụng vỏ bọc “bảo vệ trẻ vị thành niên”, cố tình gây tranh cãi vì lợi ích cá nhân.
Theo công ty, việc ghép từ ngữ mang tính khiêu khích vào hình ảnh thành viên NewJeans để làm ảnh đại diện, thực chất là hành vi gây hại đến trẻ vị thành niên.
Ngoài ra, tiếng lóng không phải từ ngữ tiêu chuẩn mọi người phải học và biết. Nên kẻ ác ý có thể cố tình “tiêm nhiễm” vào đầu đầu những người không biết tiếng lóng, khiến họ hiểu sai lệch ý nghĩa.
Tuy nhiên, lời giải thích của ADOR chưa thể dập tắt hoàn toàn những tranh luận trái chiều.