Đọc được thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh An Giang cho học sinh tiểu học tạm thời ngừng học trực tuyến nhằm đảm bảo sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng cho giáo viên và học sinh tiểu học, chị Nguyễn Thuý Tình (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con năm nay học lớp 3 Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, quyết định như trên là hoàn toàn hợp lý và chị mong Hà Nội cũng có những giải pháp tương tự.
"Con tôi bị cận, lại học liên tục trước màn hình máy tính, cuối tuần tham gia các lớp học bổ trợ nên gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Cũng cùng chương trình, nội dung kiến thức như vậy, nếu con được đến trường học trực tiếp sẽ khác hoàn toàn bởi con sẽ có khoảng thời gian giao tiếp, thư giãn, vui chơi cùng bạn bè. Do đó, tôi mong sớm có phương án để các con đi học trở lại" - chị Tình chia sẻ.
Chị Lưu Thị Ly (Hoài Đức, Hà Nội) có con học lớp 2 tỏ ra ngán ngẩm trong suốt thời gian con học trực tuyến vì đường truyền mạng không ổn định, lúc nghe rõ, lúc không. Nhưng điều chị lo hơn cả là thái độ học tập và thể trạng, sức khỏe của con.
“Con không thể tập trung nếu không có sự giám sát của người lớn. 2 vợ chồng tôi đều phải đi làm nên thay phiên nhau nghỉ để trông con. Nhưng có những thời điểm không thể xin nghỉ, đành chấp nhận để con học ở nhà một mình. Để khắc phục, vợ chồng tôi đã lắp camera giám sát.
Qua theo dõi, thấy cháu liên tục tắt camera và làm việc riêng, khi thì uể oải nằm gục xuống bàn. Tôi phải liên tục gọi nhắc con tập trung vào bài. Thành thử mẹ cũng chẳng còn tâm trí làm việc”- chị Ly nói.
Bên cạnh đó, chị cũng tỏ ra băn khoăn khi tại sao người lớn đã đi làm lại, vẫn đưa theo trẻ đi chơi, đi công viên, nhà sách, siêu thị… mọi hoạt động diễn ra trong trạng thái “bình thường mới” nhưng lại cấm các con đến trường.
“Bản thân mình là người lớn, ngồi trước máy tính hàng giờ còn không chịu nổi huống hồ trẻ con. Nếu đã chấp nhận sống chung với dịch bệnh thì nên có phương án đưa học sinh tiểu học đi học trở lại càng sớm càng tốt để con được gặp bạn bè, thầy cô, phát triển các kỹ năng giao tiếp, kĩ năng cảm nhận thay vì cả ngày bên cạnh chiếc máy tính, điện thoại. Đợi các con được tiêm xong thì biết đến bao giờ?” - chị Ly ái ngại nói.
Không chỉ phụ huynh, bản thân giáo viên là người trực tiếp giảng dạy cũng phải thốt lên rằng: “Dạy học trực tuyến càng cấp thấp càng không hiệu quả”.
“Nếu đã chấp nhận sống chung với dịch không thể bắt các con ở nhà học online mãi được. Các con có quyền được học tập, được vui chơi, phát triển về thể chất, tinh thần...
Trong trường hợp xấu, có học sinh là F0, hoàn toàn có thể đưa đi điều trị và khoanh vùng, những em còn lại tiếp tục học tập. Hiện tại, rất nhiều tỉnh thành đã đưa ra phương án cho học sinh các cấp đến trường, đặc biệt là cấp tiểu học. Như vậy mới đúng theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ” - Hiệu trưởng 1 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội nêu quan điểm.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã ban hành văn bản gửi các cơ sở giáo dục bậc tiểu học về việc hướng dẫn tạm dừng dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho học sinh từ ngày 29.11 đến hết ngày 5.12 để đảm bảo sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng cho giáo viên và học sinh tiểu học sau 9 tuần triển khai dạy học trực tuyến.
Còn tại Cà Mau, từ ngày 22.11, khối lớp 1 và 2 chưa tổ chức dạy học; khuyến khích các nhà trường bước đầu tổ chức hướng dẫn cho học sinh làm quen với mặt chữ, con số.