Thực hiện nghị định khi chưa rõ nguồn kinh phí
Thanh Hóa có 2 trường đại học thuộc quản lý của UBND tỉnh là Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Việc đào tạo sinh viên sư phạm là truyền thống của 2 trường này.
Sự bất cập, lúng túng ở đây là việc đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ. Theo đó, mỗi sinh viên khi được học theo diện ưu tiên của nghị định này sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng.
Ngay khi nghị định có hiệu lực, năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, tổng số sinh viên được tuyển theo nghị định năm 2021 là 1.412, trong đó Đại học Hồng Đức là 1.128, Đại học Văn hóa – Thể thao – Du lịch là 284 sinh viên. Tổng số kinh phí cần có cho học kỳ I/2021 là: 24,3 tỉ đồng.
Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra quyết định giao nhiệm vụ cho 2 trường. Theo đó, chỉ tiêu được giao là 1.533, trong đó, Đại học Hồng Đức là 1.160, Đại học Văn hóa – Thể thao – Du lịch là 373. Kinh phí thực hiện cần có cho học kỳ II năm học 2021 – 2022 là gần 36,5 tỉ đồng cộng với kinh phí cần có cho học kỳ I/2022 với 1.533 sinh viên mới là gần 50,8 tỉ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu kinh phí năm 2022 là 87,2 tỉ đồng.
Năm 2023, UBND tỉnh dự toán giao nhiệm vụ tuyển sinh bằng năm 2022 là 1.533 chỉ tiêu. Theo đó, số kinh phí cộng dồn của cả năm 2021, 2022 chưa được bố trí và học kỳ I/2023 sẽ lên đến gần 166,5 tỉ đồng.
Đó là con số lớn mà trong báo cáo gửi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Lượng sinh viên hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh là rất lớn, ngân sách tỉnh hiện vẫn không cân đối được nguồn để đảm bảo.
Trước thực trạng này, ngay từ năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đề xuất bố trí kinh phí cấp bù cho các năm 2021, 2022 và bố trí kinh phí cho năm 2023.
Trên cơ sở đề nghị của Thanh Hóa và một số tỉnh có đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí và giao dự toán để các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm ngay sau khi sinh viên nhập học tại các cơ sở đào tạo năm 2022 và cấp bù cho số sinh viên đang học trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo năm 2021 chưa được chi trả.
Trả lời công văn trên, ngày 22.2.2023, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, theo đó, Chính phủ “Đồng ý về nguyên tắc đối với các kiến nghị, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản nêu trên. Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.2.2023”.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản trả lời về bố trí nguồn kinh phí này là có hay không có.
Bất cập, lúng túng
Trên cơ sở nhu cầu tuyển sinh viên sư phạm trên địa bàn tỉnh, năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa dự kiến giao chỉ tiêu tuyển theo Nghị định 116 là 1.533 sinh viên. Để thực hiện được việc này, Thanh Hóa tiếp tục có văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 20.6.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn trả lời tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, tiền hỗ trợ nói trên do địa phương tự đảm bảo. “Trường hợp địa phương khó khăn chưa cân đối được kinh phí thì báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ…”.
Ngày 5.7.2023, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giải quyết các kiến nghị của các địa phương; tại phụ lục II tổng hợp tiến độ xử lý của Bộ Tài chính đối với đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ kinh phí nói trên, văn bản nêu “Bộ Tài chính tổng hợp kinh phí này khi xử lý chung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa”.
Vì vậy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và cả 2 trường đại học vẫn chờ cho đến giờ chót. Quá trình tư vấn, thực hiện tuyển sinh vẫn trên cơ sở 1.533 chỉ tiêu theo nghị định với những cam kết hỗ trợ kinh phí.
Nhưng chờ đến ngày 29.7.2023, hạn chót theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời hạn xét tuyển sinh, 2 trường đại học của tỉnh vẫn không nhận được quyết định giao nhiệm vụ của UBND tỉnh nên đành phải ra thông báo cho các thí sinh “quay xe” đăng ký các trường sư phạm khác vì trường chỉ được phép thực hiện đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 khi có quyết định giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, trong khi UBND tỉnh lại cố chờ việc xử lý tiền đâu của Bộ Tài chính.
Trong khi chờ đợi, Sở Tài chính và Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đành phải tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện phương án mang tính tạm thời là ra quyết định giao nhiệm vụ cho 2 trường đại học tuyển sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 nhưng chỉ với 200 chỉ tiêu, trong đó, Đại học Hồng Đức 135 chỉ tiêu, Đại học Văn hóa – Thể thao – Du lịch là 65.
Tình trạng này dẫn đến chuyện trớ trêu: Ngày 29.7.2023 hết hạn xét tuyển nhưng ngày 1.8.2023, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ra quyết định giao nhiệm vụ. Hàng trăm sinh viên đang theo học diện ưu tiên của Nghị định 116 vẫn đang chờ kinh phí; 2 cơ sở đào tạo cũng rơi vào tình trạng lúng túng “khó ăn nói” với sinh viên và phụ huynh, ảnh hưởng tới kế hoạch tuyển sinh, chương trình đào tạo của nhà trường; UBND tỉnh và các sở liên quan cũng bối rối vì lượng kinh phí lớn so ngân sách tỉnh.