Tại phiên họp ngày 11 và 12.7, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra những con số, cho thấy địa phương thiếu rất nhiều giáo viên.
Tỉnh còn thiếu trên 6.800 giáo viên, trong đó thiếu 277 giáo viên tiếng Anh, giáo viên Tin học thiếu 680 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 12 người, giáo viên Mỹ thuật thiếu 209 người.
Thật khó có thể tưởng tượng được, một tỉnh lại thiếu đến 6.800 giáo viên, vậy thì làm sao đào tạo đạt được chất lượng. Đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, thiếu là điều quá lo, lại còn yếu nữa.
Tỉnh Thanh Hóa có trên 2.580 giáo viên tiếng Anh. Về năng lực, khảo sát năm 2019, số lượng đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ 44,8%. Có nghĩa là chưa được một nửa giáo viên ngoại ngữ đạt trình độ, vậy thì dạy dỗ học sinh như thế nào?
Cho nên, không lạ gì khi kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, điểm trung bình môn ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa ở mức thấp (4,51), đứng thứ 47 cả nước. Kết quả khảo sát đầu ra đối với lớp 12 năm học 2022-2023, điểm trung bình môn ngoại ngữ lớp 12 đạt 5,58 điểm, chất lượng dạy, học ngoại ngữ tại Thanh Hóa còn thấp so với các địa phương khác.
Ông Trần Văn Thức nói lý do là vì các năm trước đây, tỉnh không tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số nghỉ hưu.
Số lượng giáo viên tới tuổi nghỉ hưu là tính được, giáo viên nghỉ hưu thuộc môn nào cũng tính được, tất cả đều rõ ràng như trong lòng bàn tay. Vậy mà để thụ động, bất ngờ như "thiên tai" ập xuống không thể tính toán, không dự báo được.
Trong số giáo viên nghỉ hưu có giáo viên ngoại ngữ, tại sao không tuyển dụng để bù vào số nghỉ. Đây là công việc bình thường nhất của quản lý, đến hẹn lại lên, không có gì khó khăn ghê gớm đòi hỏi tài năng xuất sắc của lãnh đạo.
Số lượng giáo viên ngoại ngữ cho toàn tỉnh cũng tính được con số cụ thể, làm quản lý thì phải tuyển dụng đủ để phục vụ cho công tác giảng dạy, đào tạo, để thiếu đến 277 giáo viên tiếng Anh thì không thể đổ trách nhiệm cho ai khác ngoài lãnh đạo ngành giáo dục.
Chưa kể, giáo viên ngoại ngữ không đạt trình độ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Thực tế cho thấy, giáo viên tiếng Anh không đủ trình độ sẽ dạy học sinh phát âm sai, hiểu sai ngữ pháp, sau này rất khó sửa.
Nếu để giáo viên ngoại ngữ thiếu và yếu tồn tại, học sinh của tỉnh Thanh Hóa sẽ chịu thiệt thòi, thua sút so với các địa phương khác. Hay nói đúng hơn là bất công đối với các em, phải khắc phục ngay để trả lại sự công bằng trong học tập của học sinh tỉnh Thanh Hóa đối với môn học ngoại ngữ.