Mỗi người cần biết ba ngôn ngữ
Ngành giáo dục vừa trải qua một năm học đặc biệt, khi học sinh cả nước phải nghỉ học dài ngày để phòng dịch COVID-19. Với tinh thần “tạm ngừng đến trường, không dừng việc học”, các trường học trên cả nước đã tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên.
Ngày 31.10, Bộ GDĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 địa phương để tổng kết, nhìn lại năm học này. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành.
Chúc mừng ngành giáo dục với những thành tựu đã đạt được trong năm học vừa qua, khi có tới gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến (tỉ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD là 67,15%), Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng - cho rằng: “Điều này tạo niềm tin nếu chúng ta quyết tâm, Việt Nam có thể làm những điều đặc biệt”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là ưu tiên số 1.
Theo đó, ngành giáo dục cần đi đầu trong chuyển đổi số. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT để đẩy mạnh chuyển đổi số.
“Bộ TTTT cũng đang tập trung chuyển đổi số. Hiện Bộ có một trường đại học là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mục tiêu biến trường đại học này thành một quốc gia số thu nhỏ. Mọi hoạt động của đại học sẽ lên môi trường số, từ quản trị đại học đến việc học tập của sinh viên”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TTTT, thế giới ngày nay, mỗi người cần phải biết ba ngôn ngữ: Tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hoá truyền thống; tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ lập trình để giao tiếp giữa người với máy. Bộ GDĐT cân nhắc nên đưa 3 cả môn này thành 3 môn học bắt buộc ở cấp phổ thông.
Cần đẩy mạnh dạy học trực tuyến
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ GDĐT cân nhắc thay đổi một số quy định, để chính thức hoá tỉ lệ học trực tuyến, thí dụ quy định 15-30% nội dung chương trình học có thể dạy trực tuyến ngay cả khi không còn dịch COVID-19.
Lý do là học trực tuyến sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh, cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số GDĐT giữa thành phố và vùng sâu vùng xa.
Ở một số cấp học, nhất là học ĐH có thể cho phép sinh viên học ở bất cứ đâu, nếu thi đạt ở một tổ chức uy tín do Bộ GDĐT quyết định thì coi như hoàn thành môn học đó.
“Tức là chúng ta quản cho tốt đầu ra... Ngành GDĐT hãy có niềm tin rằng, công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng giải quyết hầu hết các bài toán mà ngành GDĐT có thể đặt ra. Sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai, thời gian đào tạo ngắn hơn, gắn liền với thực tiễn”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá, tổng kết năm học 2019-2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận ngành Giáo dục vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, trong đó có bất cập về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, gây bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo Bộ GDĐT khẳng định, năm học 2020-2021, Bộ sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.
Bộ GDĐT cũng sẽ phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các nhà trường.