Lương 1,2 tỉ đồng/năm...
Đây là mức lương của vị trí kỹ sư cầu nối (Bridge system engineer) được ông Phan Phương Đạt - Phó TGĐ Cty FPT Software - công bố bên cạnh chỉ tiêu tuyển thêm khoảng 1.000 TLV trong năm 2013. Ứng viên dự tuyển vị trí kỹ sư cầu nối cần có nhiều kỹ năng: Thạo lập trình, thương lượng với khách hàng Nhật Bản, phân tích các yêu cầu và truyền đạt lại cho đội dự án ở VN... Đây là một nấc thang hấp dẫn trong lộ trình nghề nghiệp của LTV. Lý giải phần nào độ nóng của nhu cầu về LTV chất lượng cao, ông Lê Quang Lượng - GĐ điều hành phần mềm Cty Luvina - bật mí, nguồn việc nhận làm gia công phần mềm cho các Cty nước ngoài luôn đầy ắp với các “khách hàng luôn đứng ngoài cửa”.
Ảnh: Hoàng Mạnh |
Ông Lượng ước tính, lương của một LTV khởi điểm khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, sau khoảng 3 - 5 năm làm việc khoảng 1.000 USD. “Khi phát triển tới một mức nhất định, LTV sẽ phải lựa chọn giữa công việc có thu nhập cao nhưng chỉ chuyên sâu vào 1 lĩnh vực hoặc vị trí có lương vừa phải nhưng được mở rộng thêm tầm hiểu biết”. Khảo sát của tập đoàn Aptech VN cho thấy, năm 2011-2012, ngành CNTT gặp nhiều khó khăn nhưng các DN gia công phần mềm lại luôn đạt mức tăng trưởng chóng mặt, đặc biệt có DN đạt tới 400 % trong năm 2012. Tuy nhiên, DN VN và nước ngoài đều đang gặp phải vấn đề về chất và lượng của nguồn nhân lực.
Không là cuộc dạo chơi
Với Nguyễn Mạnh Linh - lập trình viên Cty phần mềm Gimasys - sau 3 năm làm việc, mức lương đã: “Gấp 3,5 lần so với ban đầu nói, nhưng nghề cũng đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng, phong cách làm việc cần mẫn. Chịu áp lực về tiến độ giao hàng, LTV có khi phải ngồi bên máy vi tính từ 16-20 h/ngày, làm việc cả đêm là chuyện bình thường”.
Theo ông Phan Phương Đạt, trình độ LTV VN thấp hơn LTV của Nhật Bản, nhưng họ có điểm mạnh là độ tuổi trẻ hơn, tiếp thu công nghệ mới nhanh hơn và có thể tập hợp một đội ngũ nhanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thực tế, nhiều Cty phần mềm VN đang tuyển và đào tạo lại LTV, trả lương hấp dẫn nhưng nguồn cung luôn thiếu. Theo ông Chu Tuấn Anh, luồng nhân lực 7-8 năm vừa qua đã chuyển dịch nhiều sang lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Chỉ khi nền kinh tế có khó khăn, nguồn nhân lực có phần nào có sự nhúc nhích chuyển hướng về các ngành kỹ thuật, dịch vụ khác.
Nhu cầu cao, nguồn cung thiếu, trình độ còn hạn chế đang là vấn đề của nhân lực phần mềm. Ông Lê Hồng Hải - GĐ Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech - nhận xét: Nhiều bạn trẻ ngành CNTT ra trường mới chỉ đáp ứng kiến thức nền tảng, thiếu kiến thức thực tiễn, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng, chưa kể tới việc thái độ phục vụ cho DN. Lời khuyên được các chuyên gia đưa ra với bạn trẻ sẽ và đang theo học lập trình là cần có sự yêu nghề, tận dụng những tiện ích của công nghệ máy tính, coi đây là cuộc đấu trí và kiên nhẫn chờ đợi vì chắc chắn bạn sẽ có lãi; đừng vội bỏ cuộc vì sau 2-3 năm, tầm nhìn và kinh nghiệm của bạn sẽ phong phú hơn và quyết định sẽ sáng suốt hơn.
Do thời gian làm việc dài, thậm chí phải ăn - ngủ tại nơi làm việc, nhiều LTV hài hước ví von: Khi dốc ngược bàn phím của một LTV, người ta có thể thấy số vỏ bánh mì rơi ra đủ cho một bữa ăn nhanh. |