Giáo viên Hà Tĩnh nháo nhào kiếm chứng chỉ ngoại ngữ dù bộ đã... bãi bỏ

QUANG ĐẠI |

Một số giáo viên ở Hà Tĩnh phản ánh, hiệu trưởng thông báo đề nghị họ đăng ký học tiếng Anh “làm minh chứng cho việc nâng hạng” với mức học phí lên đến gần 4 triệu đồng trong khi quy định Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy của Bộ GDĐT không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ.

Bộ đã bãi bỏ, giáo viên vẫn đi học để lấy chứng chỉ

Theo đó, trong nhóm chat của một trường THPT tại Hà Tĩnh, giáo viên đã truyền đạt thông tin như sau: “Qua thông báo của thầy hiệu trưởng về việc học tiếng Anh lấy chứng chỉ làm minh chứng cho việc nâng hạng, tôi tìm hiểu và nhận được thông báo từ Trung tâm bồi dưỡng thường xuyên tỉnh Hà Tĩnh với những nội dung sau: Học phí 3.950.000 đồng. Thời gian nộp học phí và hồ sơ trước ngày 20.4.2024 (Nếu có nhu cầu rút lại học phí không học nữa thì rút trước ngày 26.4.2024). Ngày 21.4.2024 học 1 ngày trực tiếp tại TP Hà Tĩnh, sau đó ôn online 2 buổi và tự học trên phần mềm.

Dự kiến thi vào 12-15.5.2024 nếu ở Hà Tĩnh có 200 người đăng ký thì thi tại Hà Tĩnh, nếu dưới 200 người đăng ký thì thi tại Hà Nội, họ sẽ thông báo địa điểm thi trước 26.4.2024 để ai muốn rút lui vẫn được rút tiền về nguyên vẹn. Nếu ai có nhu cầu thì nhập thông tin vào danh sách dưới đây”.

Nhận được thông tin nói trên, nhiều giáo viên hoang mang lo lắng bởi vì nếu không học thì sợ sẽ không có chứng chỉ để phục vụ cho việc xét nâng hạng, học thì tốn kém, mất thời gian. Mặt khác, giáo viên băn khoăn vì trước đây đã nghe thông tin bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong việc nâng hạng, nay sao lại phải đi học để có chứng chỉ.

Được biết, từ năm 2021, trong nội dung các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, Bộ GDĐT đã bãi bỏ, không yêu cầu giáo viên nộp các chứng chỉ bồi dưỡng, tin học, ngoại ngữ.

Tuy nhiên, theo một số cán bộ quản lý giáo dục tại Hà Tĩnh, mặc dù văn bản Thông tư của Bộ GDĐT không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng trong nội dung về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn có năng lực ngoại ngữ, nên cần phải có minh chứng.

“Vì không ai kiểm tra, đánh giá được năng lực ngoại ngữ của giáo viên nên coi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như một minh chứng. Nếu 2 giáo viên cùng có các thành tích tương đương thì sẽ ưu tiên nâng hạng cho người có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Thành ra văn bản thì không yêu cầu nhưng giáo viên vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn, ai cũng nghĩ có chứng chỉ vẫn hơn không có” - một Phó Hiệu trưởng Trường THPT tại Hà Tĩnh chia sẻ.

Ngay cả cán bộ Sở GDĐT Hà Tĩnh cũng cho rằng, giáo viên có thể đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ để minh chứng năng lực.

Trong một nội dung báo cáo lãnh đạo tỉnh, một chuyên viên Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh đã nhắn như sau: “Theo dự thảo khung năng lực vị trí việc làm trình Sở Nội vụ đang thẩm định thì giáo viên hạng II yêu cầu ngoại ngữ (tương đương bậc A2). Như vậy việc thăng hạng không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ (giáo viên có năng lực ngoại ngữ tương đương A2 là được).

Hiện nay có một số ít giáo viên chưa học (hầu hết đã có chứng chỉ ngoại ngữ từ lâu) để có xác nhận, chứng nhận... giáo viên có năng lực ngoại ngữ tương đương A2, họ có nhu cầu học (và đã có giáo viên đăng ký học tại các trung tâm không đủ điều kiện, dẫn đến có thể mất tiền oan)”.

Như vậy dù chưa có văn bản, cán bộ Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh đã trao đổi theo hướng giáo viên có thể học lấy chứng chỉ để minh chứng năng lực ngoại ngữ.

Giáo viên Trường Tiểu học Gia Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh) trong ngày hội đọc sách. Ảnh: La Giang
Giáo viên Trường Tiểu học Gia Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh) trong ngày hội đọc sách. Ảnh: La Giang

Hiểu sai nội dung văn bản quy phạm pháp luật

Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên Ngoại ngữ tại Hà Tĩnh khẳng định, việc sử dụng chứng chỉ đào tạo tiếng Anh ngắn hạn để minh chứng năng lực ngoại ngữ là sai lầm. “Là giáo viên ngoại ngữ tôi cho rằng, hầu hết những người chỉ tham gia học ngắn hạn để lấy chứng chỉ hoàn toàn không có năng lực ngoại ngữ” - cô Hoa khẳng định.

Theo luật sư Trần Hậu Định (Đoàn luật sư Hà Nội), việc nhà trường, giáo viên hiện nay vẫn luẩn quẩn với “vòng kim cô” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là do không hiểu được tinh thần của văn bản quy phạm pháp luật.
Theo luật sư Định, về yêu cầu năng lực ngoại ngữ, tin học, các Thông tư 01-02-03-04 ngày 20.3.2021 của Bộ GDĐT quy định như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên… hạng… và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Tuy nhiên, đến ngày 14.4.2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, sửa đổi nội dung các Thông tư 01-02-03-04, quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học của giáo viên như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm”.

“Nội dung nói trên cần được hiểu như sau: Đối với năng lực tin học, nếu giáo viên sử dụng thành thạo máy tính để phục vụ yêu cầu công việc (truy cập Internet, trình chiếu, đánh máy…), hiệu trưởng có thể xác nhận đạt yêu cầu; Còn đối với ngoại ngữ, giáo viên mầm non và phổ thông hiện nay không có vị trí việc làm yêu cầu năng lực ngoại ngữ - trừ giáo viên ngoại ngữ, do đó khi xét nâng hạng không xem xét tiêu chí này nên không cần minh chứng. Cơ quan có thẩm quyền quản lý giáo viên chính là nhà trường, người đại diện là hiệu trưởng. Do đó việc định hướng giáo viên đi học lấy chứng chỉ tiếng Anh, ngoại ngữ để làm hồ sơ nâng hạng là không cần thiết, lãng phí”- luật sư Trần Hậu Định nói.

QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

“Lương giáo viên được xếp cao nhất” nhưng phải bền vững

Hoàng Văn Minh |

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần thể chế hóa chủ trương “lương giáo viên được xếp cao nhất” để đảm bảo tính bền vững.

Không có bằng khen được xét thăng hạng chức danh giáo viên hạng I không

Phương Minh |

Bạn đọc hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học hạng II, công tác trong ngành Giáo dục 19 năm. Tôi không là giáo viên dạy giỏi hay là chiến sĩ thi đua, hầu như không có bằng khen. Đủ 9 năm giữ hạng (không kể thời gian tập sự), tôi có được thăng hạng chức danh nghề nghiệp không?

Vì sao giáo viên Hà Tĩnh chưa được thăng hạng lên hạng I và II?

QUANG ĐẠI |

Trong khi Nghệ An tiến hành xét thăng hạng cho hàng trăm giáo viên từ hạng III lên hạng II, thì tại Hà Tĩnh đang tạm dừng để chờ văn bản từ cấp trên.

Nguyện vọng của trái chủ trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

NHÓM PV |

TPHCM - Nhiều bị hại liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có mặt tại TAND TPHCM để theo dõi phiên xét xử.

Mưa ngập, hơn 11.000 học sinh vùng trũng ở Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 20.9, tại huyện Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ nên hơn 11.000 học sinh ở khu vực trũng thấp được cho nghỉ học.

So sánh hình ảnh TP Yên Bái hiện tại và thời điểm bão lũ lịch sử

Trần Bùi - Vũ Bảo |

Trận đại hồng thủy đã đi qua TP Yên Bái gần 10 ngày, hiện nước đã rút, đường đã khô, cuộc sống người dân đã dần ổn định trở lại.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.