Ông Phạm Tiến Thịnh – Giám đốc Công nghệ Thông tin, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã có những trao đổi rõ hơn với PV Lao Động về học trực tuyến trong thời đại mới.
- Thưa ông Phạm Tiến Thịnh, hình thức học trực tuyến đã xuất hiện tại Việt Nam lâu nay nhưng chỉ nổi lên kể từ khi học sinh nghỉ học vì dịch virus Corona. Tại sao vậy?
Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở giáo dục chỉ mới áp dụng kết hợp giữa học online và offline. Hình thức học online 100% thường chỉ dành cho những người đã đi làm, quen sử dụng công nghệ thông tin. Điều này xuất phát từ văn hoá Việt là sự tương tác giữa người với người.
Bên cạnh đó, thói quen bằng cấp, “sính” bằng chính quy hơn là đào tạo từ xa cũng khiến hạn chế hình thức học online. Chỉ khi đối mặt với các sự kiện đáng tiếc như dịch visrus Corona, đa số các trường học tại Việt Nam mới nhận thức được rằng công nghệ hay dạy và học online thật sự có thể được phát huy lợi thế của nó và giúp đảm bảo quyền lợi của các em học sinh, sinh viên.
Tôi thấy rất tiếc vì hầu hết các chỉ số về phát triển số như số người dùng Internet, điện thoại thông minh, thương mại điện tử,… Việt Nam đều nằm trong top 5 thế giới, nhưng trong lĩnh vực giáo dục chúng ta lại phát triển khá chậm và hầu hết đều do các đơn vị tích hợp dịch vụ phát triển thay vì các trường.
- Trên thế giới, hình thức học trực tuyến đã phát triển như thế nào, thưa ông?
Tôi xin đưa ví dụ về học trực tuyến ở hai quốc gia phát triển là Hàn Quốc – quốc gia Châu Á gần với Việt Nam và Mỹ - nền giáo dục hàng đầu thế giới.
Trường Đại học Hanyang (Hàn Quốc) trên toàn hệ thống có khoảng 30.000 sinh viên nhưng riêng hệ thống dạy online 100% thì chiếm tới hơn 25.000 sinh viên, gấp 5 lần học offline. Ở đây, họ áp dụng công nghệ Hologram, một giảng viên có thể tương tác cùng một lúc tới 5-600 sinh viên.
Công nghệ này cho phép giảng viên có thể đứng bên trong một studio với hệ thống camera ghi lại hình ảnh ở các góc độ khác nhau, sau đó truyền trực tiếp đến giảng đường, nơi các sinh viên đang theo dõi. Hình ảnh 3D của giảng viên sẽ hiển thị trên giảng đường với tỉ lệ 1:1.
Cả giảng viên lẫn sinh viên đều có thể nhìn nhau và tương tác một cách chân thực. Giảng viên có thể xem thái độ của các sinh viên và điều chỉnh cách giảng bài cho phù hợp. Việc thuyết giảng có thể áp dụng cho nhiều giảng đường đồng thời. Tuy vậy, để đảm bảo tính tương tác giữa giảng viên và sinh viên trường đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tại Mỹ, 40% các chương trình đạo tạo tại các trường đại học và hơn 30% các chương trình giảng dạy tại các trường phổ thông được thực hiện online. Trường đại học lớn nhất thế giới Arizona State University hiện nay có 130.000 sinh viên, trong đó 40.000 sinh viên học online.
Hiện trường có luôn 1 thương hiệu cho đào tạo online không những dạy các chương trình về toán học, công nghệ thông tin mà kể cả các ngành “nhạy cảm” như y học cũng học online và sử dụng công nghệ thực tế ảo. Tất cả những sinh viên tốt nghiệp ở khoá đó ra đều có bằng tốt nghiệp và được công nhận như bình thường.
- Ở Việt Nam, một số trường đại học đã bước đầu áp dụng hình thức dạy học online, theo ông, liệu rằng việc này có có phù hợp với dạy phổ thông hay không?
Việt Nam nên sớm học theo các mô hình học trực tuyến ở nước ngoài, thậm chí ngay cả ở bậc phổ thông. Hiện nay, học trực tuyến đang là một xu hướng. Ở nước ngoài, công nghệ thông tin được ứng dụng ngay từ cấp mầm non, khi mà các bạn đã biết đọc, viết, tính, toán rồi thì đã 40% học online rồi.
Ở bậc phổ thông, chúng tôi đã áp dụng nhiều chương trình học online như các chương trình đào tạo phổ thông song bằng với nhiều trường đối tác tại Mỹ thông qua hệ thống trực tuyến. Học sinh tốt nghiệp phổ thông thông qua các chương trình này sẽ được cấp bằng phổ thông được công nhận bởi top 200 đại học tại Mỹ và đảm bảo được nhận thị thực du học Mỹ nếu có ý định sang Mỹ học.
Theo dự đoán của tôi, 3-5 năm tới Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng online của Mỹ. Ở thế hệ sau, đặc biệt là từ 9X trở đi sẽ dễ dàng tiếp cận, hưởng ứng, ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập. Thế hệ 8X, 9X là bước đệm để dạy và học trực tuyến phát triển mạnh tại nước ta.
- Ở Việt Nam sẽ có những thuận lợi, khó khăn nào khi áp dụng hình thức học này, thưa ông?
Về mặt công nghệ, chất lượng mạng truyền dẫn sẽ là một thách thức lớn tại Việt Nam. Chúng ta chỉ mới thử nghiệm công nghệ truyền dữ liệu 5G, với cơ sở hạ tầng và tốc độ băng thông như hiện nay thì chưa đủ để đưa các giải pháp dạy và học online hiện đại nhất vào ứng dụng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ sớm giải quyết được bài toán này khi Việt Nam vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực số hoá trong 5 năm tới.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cũng đang phát triển mạnh ở nước ta, điều này sẽ được ứng dụng trong giảng dạy từ xa và bùng phát trong thời gian tới. Thực tế, giáo viên thường nhận được những câu hỏi từ người học lặp đi lặp lại nhiều lần, khi đó, áp dụng giảng dạy từ xa sẽ rất phù hợp.
Ngoài ra, điều quan trọng mà giáo dục cần đạt được là dần thay đổi suy nghĩ và quan niệm của người Việt, đặc biệt là những người trực tiếp làm giáo dục, về đào tạo bằng hình thức online.
- Xin cảm ơn ông!