Chỉ đại diện lớp dự khai giảng
Tờ trình của Sở GDĐT TPHCM gửi Thường trực UBND TPHCM về việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020-2021, có 2 phương án tổ chức được đề xuất.
Phương án 1 là vẫn tập trung đầy đủ học sinh các khối lớp tham dự lễ khai giảng. Tuy nhiên, theo Sở GDĐT TPHCM, phương án này khó có thể đảm bảo việc giãn cách vì thực tế mỗi trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP có 1.000 - 4.000 học sinh.
Phương án 2 được đưa ra là tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự lễ khai giảng, mỗi lớp 10 - 20 học sinh, riêng học sinh các lớp đầu cấp sẽ tham dự đầy đủ.
Tờ trình của Sở cũng nhấn mạnh: "Phương án này phần nào thực hiện được quy định giãn cách nhưng ảnh hưởng đến tinh thần của các em học sinh không được dự khai giảng năm học mới".
Ngoài ra, Sở GDĐT TP cũng xin ý kiến thường trực UBND TPHCM về chương trình lễ khai giảng với tinh thần ngắn gọn, diễn ra trong khoảng 60 phút với các hoạt động văn nghệ chào mừng, nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, tuyên bố lý do - giới thiệu đại biểu, đọc thư của Chủ tịch Nước, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng...
Cử đại diện lớp tham dự cũng là phương án được Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn các trường.
Tất cả các trường học tổ chức lễ khai giảng vào buổi sáng 5.9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Toàn tỉnh sẽ tổ chức lễ khai giảng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, trong lễ chào cờ hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch Nước, thông qua nhiệm vụ trọng tâm năm học, không phát biểu, không báo cáo thành tích.
Vì tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các trường học tại tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai giảng cho 100% học sinh đầu cấp. Các khối còn lại chỉ cử lớp trưởng, lớp phó dự lễ khai giảng.
Để đảm bảo phòng, chống dịch, học sinh phải đeo khẩu trang đúng quy định. Các trường chủ động xây dựng phương án dạy học phù hợp trong tình huống phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 kéo dài.
Khai giảng sau 5.9
Theo khung chương trình năm học của tỉnh Quảng Nam, học sinh sẽ tựu trường từ 1.9 và tổ chức lễ khai giảng vào 5.9. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ưu tiên của ngành Giáo dục Quảng Nam là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Do đó, lễ khai giảng có thể lùi lại hoặc không tổ chức.
Hiện tại, Quảng Nam còn 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo lãnh đạo Sở GDĐT, Quảng Nam không tổ chức khai giảng trong ngày 5.9 vì đây là hoạt động tập trung đông học sinh. Lễ khai giảng có thể lùi lại, tổ chức sau một, hai tuần nếu dịch được kiểm soát. Nếu hết tháng 9 dịch bệnh vẫn phức tạp, rất có thể lễ khai giảng sẽ không được tổ chức.
Đối với 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội (Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình), các phòng chuyên môn xây dựng chương trình học trực tuyến trong 2 tuần đầu. Ngày 5.9, các huyện này sẽ triển khai dạy học online.
Với các huyện còn lại, tiết học đầu tiên học sinh sẽ gặp giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên ổn định nề nếp, thông báo chào mừng năm học mới tạo không khí vui tươi trong ngày đầu các em trở lại trường.
Sở GDĐT TP Đà Nẵng cũng đang xây dựng nhiều phương án để tuỳ vào tình hình dịch bệnh sẽ triển khai. Có thể thành phố sẽ cho học sinh đi học lại nếu không còn ca mắc COVID-19 nhưng sẽ không tổ chức khai giảng, không chào cờ và tăng cường phòng dịch như năm học trước. Hoặc, nếu dịch bệnh vẫn kéo dài, Đà Nẵng cũng có thể sẽ lùi thời gian bắt đầu năm học mới.
Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị 2 phương án cho ngày khai giảng. Theo đó, nếu trước ngày 5.9 dịch bệnh được khống chế hoàn toàn tại Quảng Trị, lễ khai giảng sẽ diễn ra trực tiếp như mọi năm nhưng gọn nhẹ.
Nếu dịch vẫn chưa được khống chế, trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, những vùng an toàn sẽ khai giảng trực tiếp. Vùng có dịch thực hiện trực tuyến. Riêng bậc mầm non, lớp 1 có thể cho lùi ngày tựu trường và lùi thời gian học.
Tỉnh Bình Thuận cũng chuẩn bị phương án cho nhiều tình huống khác nhau. Nếu có dịch, địa phương có thể tổ chức khai giảng trực tuyến hoặc hạn chế số người tham dự.