Dự kiến có nhiều biến động
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 (Luật Giáo dục sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020 có nội dung đáng chú ý liên quan đến các chế độ, chính sách tiền lương cho giáo viên.
Theo đó, Điều 76 của Luật Giáo dục mới quy định về tiền lương của giáo viên như sau: Giáo viên được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên, lương giáo viên trả theo vị trí việc làm. Các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm,… sẽ được đưa vào lương theo vị trí việc làm. Phụ cấp thâm niên cũng không còn tồn tại.
Dự kiến sẽ có 3 bảng lương dành cho cán bộ quản lí, bảng lương chuyên môn và bảng lương nhân viên. Lương giáo viên sẽ không còn hệ số nhân với mức lương cơ sở, cộng các khoản phụ cấp như hiện nay mà được chi trả theo lượng tiền ban đầu và được nâng lên bởi trình độ đào tạo.
Với cách tính này, lương của đội ngũ giáo viên mới vào nghề được nâng lên so với hệ thống hiện nay. Những giáo viên lâu năm sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp và khi đó chênh lệch giữa lương của giáo viên mới ra trường và giáo viên lâu năm sẽ thu hẹp.
Cũng theo dự kiến trước đó, từ ngày 1.7.2020, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng thêm 110.000 đồng/tháng (tương đương 7,3%). Việc này đồng nghĩa với thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1.7.2020 sẽ tăng lên đáng kể.
Lương của giáo viên tạm thời chưa thay đổi
Với các điều khoản trên, theo dự kiến, lương của giáo viên sẽ có nhiều biến động. Tuy nhiên, tính hiện nay, các bảng lương mới theo vị trí việc làm chưa được quyết định.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quốc hội đã quyết định chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020. Theo đó, khoảng hơn 60.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2019 trước đó định chi tăng lương cơ sở sẽ có điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ đang tính lùi đến 1.1.2021, khi đó sẽ tăng lương với mức tăng 7% như dự kiến.
Trả lời Lao Động, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong thời gian từ tháng 7.2020 đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới, lương của giáo viên, kể cả với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ.
Trong khi đó, với cơ chế riêng, TPHCM quyết định giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức, viên chức từ 33% đến 50% để hỗ trợ người lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình thu ngân sách sụt giảm so với cùng kỳ.
Vì thế, thu nhập của giáo viên tại TPHCM sẽ bị điều chỉnh theo chính sách này. Đối với giáo viên có hệ số lương trên 3.0 sẽ bị giảm hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần xuống còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020.
Những người có hệ số lương từ 3.0 trở xuống sẽ giảm hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần xuống còn 0,8 lần. Thời gian áp dụng việc giảm hệ số thu nhập tăng thêm tính từ ngày 1.1.2020.