16 triệu USD đã đi đâu?
Ngày 28.11.2014, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội được ban hành, là một trong những cơ sở để Bộ GDĐT thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Cũng theo nghị quyết, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK). Tiền làm sách dự kiến là 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đến thời điểm này, về cơ bản mục tiêu xã hội hóa làm SGK như Nghị quyết 88 đặt ra đã đạt được. Bộ GDĐT vừa công bố 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, kế hoạch làm SGK lớp 1 của Bộ GDĐT đề ra trước đó đã “phá sản”.
Theo Bộ GDĐT, lý do không thực hiện được bộ SGK lớp 1 như đã đề ra là vì không tuyển chọn đủ ứng viên tham gia biên soạn sách. Hầu hết tác giả đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi. Căn cứ tình hình thực tế nói trên, Bộ GDĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bộ không biên soạn bộ sách nữa, mà thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Về số tiền 16 triệu USD dự kiến sử dụng để làm SGK, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) - cho biết, theo dự kiến, 16 triệu USD này ngoài dùng để biên soạn SGK còn có nhiều công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu; tập huấn gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hỗ trợ các vùng khó khăn. “Cũng như bất cứ dự án ODA nào, trong Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong Hiệp định. Trong quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể. Để giải ngân được phải xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm theo đúng thiết kế ban đầu... Việc rút vốn được thực hiện theo tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới” - ông Thành nhấn mạnh.
Đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định, việc Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn SGK theo thiết kế ban đầu của dự án và đã tổ chức việc biên soạn SGK theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được khoản kinh phí này. Ngoài ra, hiện vẫn đang là thiết kế ban đầu của dự án, chưa được giải ngân từ Ngân hàng Thế giới. Dự án đang trong kỳ đánh giá cuối năm và Bộ GDĐT đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác như: Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng khoảng 900.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; mua SGK cho thư viện của các trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học...
Tiền vay cần được đầu tư đúng mục đích, giải trình công khai
Nêu quan điểm về khoản tiền vay để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có kinh phí để làm SGK, TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT) cho rằng, khi thiết kế dự án, bao giờ cũng cần phân tích bối cảnh, tìm hiểu vấn đề cần giải quyết và nguyên nhân của vấn đề để xác lập mục đích của dự án cùng các hoạt động kèm theo là nguồn lực tài chính, nhân sự theo những khung thời gian...
Về SGK, thời điểm khi thiết kế dự án, ban quản lý có thể chưa nhận định hết về sự thay đổi trong biên soạn 1 bộ hay nhiều bộ sách SGK nên vẫn thiết kế khoản vay 16 triệu USD được chi cho việc biên soạn 1 bộ SGK do Bộ GDĐT chủ trì. Sau này, vì các yếu tố khác nhau mà phải buộc điều chỉnh mục đích, các hoạt động của dự án do bộ, Ban Quản lý dự án quyết định dưới sự đồng ý của nhà tài trợ hay bên cho vay.
“Không phải cứ được vay, có cấu phần là phải chi. Trong dự án bao giờ cũng có mục thiết kế những rủi ro do yếu tố bên ngoài không xác định, lường trước các tình huống, vì vậy tôi cho việc điều chỉnh khoản chi 16 triệu USD là sự cần thiết” - ông Vinh nhận định.
Tuy vậy, ông Vinh cũng thẳng thắn chỉ ra vấn đề cần nhìn nhận lại là khi thiết kế dự án, tại sao lại có khoảng 16 triệu USD để hỗ trợ nhà xuất bản biên soạn sách. Về bản chất hoạt động, nhà xuất bản là một doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường, kinh doanh có lãi, vì thế, khi có hỗ trợ để biên soạn SGK là không cần thiết. Các chi phí như thuê tác giả viết sách đã có dự toán, hạch toán trong kinh doanh. Tư duy khi thiết kế dự án từ đầu vẫn còn nặng nề về tính bao cấp và chưa phù hợp với cơ chế thị trường. “Không thể 1 con gà có 2 mề” - ông Vinh nói.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã vay, ông Vinh đề xuất có thể hỗ trợ theo kiểu bù giá cho học sinh vùng sâu vùng xa và vùng còn khó khăn thay vì bù cho đơn vị sản xuất SGK.
“Các đơn vị của bộ nên bàn lại với đơn vị cho vay để đầu tư đúng chỗ, đúng mục đích và hiệu quả. Tiền vay không khó, nhưng tiêu đúng mục đích, có hiệu quả mới khó. Quan trọng là Bộ GDĐT cần giải trình công khai rõ ràng để xã hội hiểu, tạo sự đồng thuận thì hiệu quả của cả dự án mới thành công” - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Không được tự ý thực hiện trái Nghị quyết của Quốc hội
Theo đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau), Điều 3 của Nghị quyết 88 nêu rõ, Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các đề án khác có liên quan... Hằng năm đánh giá kết quả thực hiện trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội. Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Như vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa như tinh thần của nghị quyết thì bộ phải báo cáo với Chính phủ và Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội rồi mới được thực hiện. Nếu tự ý làm trái nghị quyết, hoặc không báo cáo Quốc hội là không đúng quy định. Không thể có việc tự tiện không thực hiện hoặc nói khó quá rồi không làm. Đ.C