Không trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập không có nghĩa là “hết cửa”, các em có thể học tại hệ thống trường THPT dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng...
Chọn học tại trường THPT dân lập
Hiện nay trên địa bàn cả nước có nhiều trường THPT dân lập được xây dựng với các mức học phí, chất lượng khác nhau. Mức học phí tại các trường này nằm trong khoảng từ hơn một triệu đến vài chục triệu/tháng. Quan niệm trượt công lập mới phải đi học dân lập hiện là tư tưởng đã lỗi thời, không chuẩn xác. Nhiều trường dân lập đang có chất lượng và lượng thí sinh “xếp hàng” dự kiến vượt xa các trường công lập.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng lâu nay cả xã hội chúng ta quan niệm và chỉ quan tâm đến các trường công lập mà bỏ ngỏ, thậm chí khoán trắng lĩnh vực tư tạo nên một sự bất bình đẳng giữa công – tư, miền núi – miền xuôi, giữa những người tham gia vào hệ thống này.
“Tôi thấy nhiều trường tư rất tốt nhưng quan niệm của chúng ta không có sự thay đổi nên trường công rất quá tải, các trường tư lại khó khăn để đảm bảo duy trì hoạt động. Để cha mẹ không có sự phân biệt trường công - trường tư, ngành giáo dục phải tuyên truyền, định hướng và bản thân các bậc phụ huynh phải có ý thức tự giác về vấn đề này. Cả hai bên đều cần sự chuẩn bị, về cơ sở vật chất của các trường tư để tăng sự lựa chọn”, ông Nhưỡng nói.
Vừa tốt nghiệp phổ thông, vừa tốt nghiệp trung cấp
Đây là lựa chọn của các thí sinh có nguyện vọng học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng... Lợi thế khi theo học chương trình này là các em có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp THPT như các em học sinh tại các trường THPT khác và sở hữu thêm tấm bằng nghề. Các em hoàn toàn có thể lựa chọn xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngay tại trường sau khi tốt nghiệp THPT hoặc theo các chương trình học trung cấp, cao đẳng sau đó liên thông đại học tại trường. Với mức học phí phù hợp cộng thêm cơ hội học nghề và liên thông đại học thực sự đây là một phương án lựa chọn hiệu quả cho học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định: Học hết THCS, học sinh có thể vào học nghề, khi học nghề còn học cả văn hoá, thường là văn hoá bổ túc, khi ra trường sẽ có bằng công nhân kĩ thuật bậc 3 và bằng phổ thông trung học thì cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ cao hơn rất nhiều nếu chỉ có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Ngành giáo dục cần đẩy mạnh phân luồng từ học sinh THCS. Sau đó đến học THPT, chúng ta tiếp tục phân luồng làm sao có khoảng 30% vào đại học, còn lại là vào học nghề và đào tạo nghề để củng cố chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, nước ta đang rơi vào tình trạng đào tạo thầy quá nhiều mà thợ quá ít. Tôi cho rằng phải đặt các trường tư, các trung tâm dạy nghề, trung cấp nghề... ngang bằng với trường công và Nhà nước phải coi đó là cơ hội để chúng ta xã hội hoá, không nhất thiết cứ phải trường công. Khi trường công không đủ công suất để tiếp nhận học sinh thì một bộ phận phải vào trường tư và không nhất thiết phải học ngay cấp 3 trong khi chúng ta có thể học nghề và song song với bổ túc văn hoá”.
Ngoài ra, xét về thời gian, một học sinh phải mất 3 năm học cấp 3 và 4 năm đại học mới có được tấm bằng. Trong khi đó, nếu chọn học trung cấp, các em chỉ mất 2,5 đến 3 năm để vừa học văn hóa, vừa học nghề. Như vậy, đủ 18 tuổi, các em đã có thể tham gia thị trường lao động.
Còn đi theo con đường học THPT, nếu không có khả năng học tập tốt, học sinh sẽ rất khó đỗ vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí có học sinh còn không thể đỗ tốt nghiệp THPT.
Trên thực tế, có học sinh vật vã, khổ sở với 3 năm học bậc THPT, 4 năm học đại học nhưng sau đó vẫn phải chọn học nghề vì không xin được việc.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã đổi mới
Bên cạnh lựa chọn vào các trường dân lập, trường nghề, học sinh vẫn có cơ hội học tập tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Vài năm gần đây, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập đều đã được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng.
Phụ huynh nên cân nhắc các phương án để có sự lựa cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng gia đình, mỗi phương án lựa chọn có những thế mạnh của riêng của nó.