Chật vật kiếm sống
Phải giải thể trường mầm non vì không còn vốn để cầm cự, chị Trang - Hiệu trưởng trường mầm non Smile Kids (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng) bỗng trầm tư khi được hỏi về công việc hiện tại của nhiều giáo viên. Trường học "bất đắc dĩ" phải đóng cửa, chị Trang nhiều khi cảm thấy rất áy náy. Hễ có ai hỏi mua trường, mua cơ sở vật chất, chị cũng đều cố gặng hỏi thêm: "Thế có muốn mua cả giáo viên ở đây không?".
Để duy trì cuộc sống, hầu hết giáo viên ở Trường mầm non Smile Kids của chị Trang đều phải tứ tán khắp nơi, mỗi người một cảnh. Từ ngày trường học đóng cửa, cô Yến thì chật vật với đồng lương từ việc trông trẻ theo giờ. Cô Hằng phụ trách bếp ăn thì phải chạy vạy kiếm sống. Cô Xuyến thì chưa tìm được việc làm, nhiều tháng nay vẫn phải quanh quẩn ở nhà...
Nhận trông trẻ theo giờ để kiếm thêm thu nhập, cô Trần Thị Hoàng Yến (giáo viên mầm non trường Smile Kids) cũng buồn rầu vì đồng lương làm thêm mấy tháng nay còn nhiều bấp bênh, không đủ sống. Đối với giáo viên ngoài công lập như cô Yến, nghỉ dạy học ở trường đồng nghĩa với việc sẽ không có tiền lương trợ cấp hàng tháng.
Cô Yến tâm sự: "Dịch bệnh khó khăn, 5 tháng nay, trường học phải đóng cửa triền miên. Để có tiền chi tiêu, tôi phải gắng gượng nhận làm công việc trông trẻ tại nhà theo giờ. Hôm nào lớp đông trẻ gửi thì thu nhập sẽ ổn hơn một chút. Là giáo viên trường ngoài công lập, tôi cũng rất mong muốn ngành nghề của mình sớm được hỗ trợ để các giáo viên an tâm hơn, vơi bớt phần nào nỗi lo cơm áo".
Nghỉ việc ở nhà đã nửa năm nay, cô Nguyễn Thị Huế (giáo mầm non ở quận Cầu Giấy) cũng phải nhận thêm nhiều công việc bán thời gian, bán hàng online tại nhà để kiếm sống. Theo cô Huế, các trường mầm non tư thục đa số đều có quy mô nhỏ. Dịch bệnh khó khăn, hầu như các trường đều phải đóng cửa, rao bán, không có đủ tài chính để trợ cấp cho các giáo viên.
Muôn vàn nỗi lo
Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động của dịch COVID-19. Không giống các cấp học khác, đặc thù cấp học mầm non tư thục ở TP.Hà Nội thường không thể tổ chức học trực tuyến. Vì vậy, những giáo viên mầm non ngoài công lập hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian nghỉ dịch.
Nhiều giáo viên trường tư thục họ phải đối mặt với những ngày không có lương, buộc phải chuyển qua làm nhiều công việc khác để mưu sinh. Thậm chí, những cô giáo mất việc phải đi bán hàng online, làm part time, đóng gói, phụ việc bốc vác hàng hóa ở chợ với mức lương chỉ đủ sống qua ngày.
"Ngồi không ở nhà mình cũng nóng ruột và mệt mỏi lắm. Mấy chị em mất việc ở trường đành phải rủ nhau vào các hội nhóm cần tìm người trông trẻ để tự quảng cáo, tìm kiếm việc làm. Học phí mùa dịch tuy rẻ nhưng chương trình học rất bài bản, có đầy đủ giáo cụ tại nhà để các con có thể thực hành. Hiện tại mình vẫn đang tìm thêm khoảng 2 - 3 bạn nhỏ nữa để ghép vào nhóm" - chị Trần Lan Phương (giáo viên mầm non tại Hà Nội) đăng tin giới thiệu.
Gặp khó khăn trong dịch COVID-19, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Hà Nội đang phải đồng loạt rao bán, sang nhượng lại với mức giá rẻ mạt. Đóng cửa trường học trong nhiều tháng nay, không tiền lương, cũng chẳng có phụ cấp... phần lớn các giáo viên mầm non họ không còn cách nào khác buộc phải vắt kiệt sức làm đủ mọi nghề kiếm sống.