Xử phạt nghiêm minh
Thiếu Tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) - cho biết, sau hơn 2 tuần lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực và thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên. Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), phạt tiền 49 tỉ 738 triệu đồng. Trong đó, phát hiện xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 21 tỉ 013 triệu đồng.
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh 475 trường hợp, Thanh Hóa 379 trường hợp, Tây Ninh 341 trường hợp, Đồng Nai 327 trường hợp, TP.Hồ Chí Minh 209 trường hợp và Hà Nội 136 trường hợp… Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng thông tin thêm, trong số các trường hợp vi phạm kể trên, có nhiều trường hợp là công chức vi phạm. Điển hình như tại Thái Bình, CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã xử phạt một phó giám đốc bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, CSGT đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.
Bác sĩ Gia Anh - Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện Việt - Đức - chia sẻ, đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) rất thương tâm. Trung bình 1 năm, Bệnh viện Việt - Đức mổ 70.000 ca. Trong đó, tai nạn liên quan đến giao thông gần 75%. Trước đây, có đợt gần 60% liên quan đến nồng độ cồn trong máu ở nạn nhân TNGT.
“Hai tuần vừa qua, tôi thấy rõ kết quả. Số bệnh nhân liên quan đến nồng độ cồn vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức đã giảm 10%, dù đây là khoảng thời gian người dân tham gia giao thông gia tăng. Đây là tín hiệu mừng và tốt cho người dân tham gia giao thông. Song điều quan trọng là làm sao duy trì được kết quả này” - bác sĩ Gia Anh nói.
Thay đổi ý thức người dân
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, quan trọng là phải giải thích cho người dân tác hại của rượu bia sẽ tàn phá sức khoẻ như thế nào. Do đó, chúng ta phải kêu gọi mọi người dân ủng hộ quy định này giống như chúng ta đã quy định cấm pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy… Những ngày qua, 99% người dân phản ánh đến Quốc hội rất hoan nghênh Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100. Nhưng vẫn còn nhiều việc chưa bàn đến, như tác hại của rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe vì hiện rất nhiều người đang lạm dụng.
Trước nhiều ý kiến phản ứng về việc cán bộ công chức, hay lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn bị gửi về cơ quan, đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội cho rằng, bất kỳ ai khi tham gia giao thông cũng phải chấp hành các quy định của pháp luật, còn cán bộ chiến sĩ hay cán bộ công chức nhà nước vi phạm pháp luật về hành chính sẽ bị kỷ luật hoặc các quy định pháp luật của nhà nước. Khi chưa có luật ra đời đã có quy định cấm cán bộ công chức, lực lượng vũ trang uống rượu bia khi làm việc.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - ông Khuất Việt Hùng - cho rằng, Luật Phòng chống tác hại rượu bia có quy định chế tài đặc biệt với cán bộ công chức, viên chức và quân nhân.
Ngày 16.1.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100 với các hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân… Cảnh báo, giúp nâng cao ý thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông tại Nghị định 100. Tổ chức vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, trong đó cán bộ, công chức, Đảng viên phải nêu gương hành động…