15 năm Agribank vẫn chậm chạp trong cổ phần hóa

Lam Duy |

Trong Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt, ngân hàng Agribank được đưa vào danh sách cổ phần hóa với mục tiêu tỉ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%.
Suốt 15 năm qua, ngân hàng Agribank vẫn chưa thể hoàn tất cổ phần hóa. Ảnh: Ngân hàng Agribank
Suốt 15 năm qua, ngân hàng Agribank vẫn chưa thể hoàn tất cổ phần hóa. Ảnh: Ngân hàng Agribank
Đưa Agribank vào danh sách cổ phần hóa

Theo kế hoạch trên, cùng với việc thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, nhà nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp và sắp xếp lại 5 doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong số này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trong danh sách thực hiện cổ phần, với tỉ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%.

Đối với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Nhà nước tiếp tục duy trì tỉ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%. Với 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689 ngày 8.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986 ngày 8.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỉ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 02 ngân hàng. Ở thời điểm hiện nay, nhà nước đang lần lượt nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.

Việc cổ phần hóa Agribank thực tế không còn là thông tin mới và gây bất ngờ với thị trường. Thậm chí kế hoạch cổ phần hóa ngân hàng này được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay nhưng vì nhiều lý do, việc này đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Gần đây nhất, trong Quyết định số 1963/NHNN về Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với Agribank.

Lận đận suốt 15 năm

Kế hoạch cổ phần hóa Agribank từng được đưa ra từ những năm 2007 nhưng phải tạm dừng nhiều năm do những biến động trên thị trường tài chính, đặc biệt là khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2008-2009.

Đến năm 2017, kế hoạch cổ phần hóa Agribank được khởi động lại nhưng xuất hiện thêm nhiều vấn đề trở ngại do liên quan đến việc định giá tài sản là đất, tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của Nhà nước.

Theo một báo cáo mới nhất được NHNN gửi Quốc hội có đề cập tới tiến độ cổ phần hóa Agribank, đến ngày 31.8.2021, Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.094/2.174 cơ sở nhà, đất của Agribank.

Như vậy vẫn còn 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt do nguồn gốc đất đai có từ lâu đời, lịch sử sở hữu phức tạp. Agribank theo đó được yêu cầu rà soát lại để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Tiến độ cổ phần hóa chậm chạp và các yêu cầu về tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đang là những vấn đề rất lớn đối với Agribank.

Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank, đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỉ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỉ đồng và tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất đối với ngân sách Nhà nước. Cùng với BIDV, Agribank tiếp tục là một trong hai ngân hàng có tổng tài sản và thị phần cho vay lớn nhất hệ thống.

Trong đó vốn mỏng đang là bài toán cấp bách với Agribank. Ông Phạm Đức Ấn từng nhiều lần nhấn mạnh việc tăng vốn điều lệ là rất bức thiết với ngân hàng bởi thực tế có những ngân hàng thương mại cổ phần có tổng dư nợ chỉ bằng 1/4 của Agribank nhưng vốn điều lệ lại cao hơn cả Agribank.

Song Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất mà Nhà nước còn sở hữu 100% vốn nên việc tăng vốn do đó hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cấp từ ngân sách, điều này khiến Agribank ngày càng tụt xa so với ngân hàng khác về vốn điều lệ, ảnh hưởng đến chỉ số an toàn vốn (CAR).

Để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa Agribank, ngay từ đầu tháng 2.2022, Chủ tịch Agribank đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân hàng được cổ phần hóa 2 bước.

Trong đó bước 1 là chuyển Agribank sang mô hình ngân hàng cổ phần với tỉ lệ nhỏ bán cho cán bộ, nhân viên Agribank và triển khai sớm việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bước 2, sau 1 - 2 năm sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, có nhiều thời gian và cơ hội để lựa chọn cổ đông phù hợp và lợi ích tốt hơn cho Nhà nước.

Lam Duy
TIN LIÊN QUAN

Ông Phạm Toàn Vượng trở thành tân Tổng giám đốc Agribank

Lan Hương |

Agribank vừa công bố tân Tổng giám đốc.

Công đoàn Agribank tỉnh Đắk Lắk chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trong thời gian qua, Công đoàn Công đoàn Cơ sở Ngân hàng Agribank tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

VietinBank, BIDV, Agribank nhập cuộc đường đua tăng lãi suất hấp dẫn

Trà My |

Có tới 3 trên tổng số 4 ngân hàng BIG4 tăng lãi suất huy động thêm hơn 1% kể từ ngày 27.10.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.