Sau thông tin lợn bị dịch tả Châu phi chết bị vứt ra sông tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bộ NN & PTNT đã lập tức thành lập đoàn kiểm tra tại hiện trường và buộc phải thốt lên: “Phòng chống dịch thế này thì chết”.
Theo ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, từ đầu tháng 5 tới nay, số lợn chết vì dịch tăng mạnh, có thời điểm hàng chục hộ trong 1 xã cùng có lợn chết nhưng lực lượng lại quá mỏng, cả xã chỉ có 1 cán bộ thú y nên công tác tiêu hủy bị chậm trễ. Có thời điểm một số hộ tại một số xã vì sốt ruột nên tự ý mang lợn đi chôn.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết hiện “Cả tỉnh dồn toàn lực vào công tác phòng chống như tăng cường giám sát tại chỗ, không bố trí việc làm khác cho lực lượng này. Riêng Chi cục Thú y thành lập 10 tổ trực tiếp có mặt tại 10 huyện, thành phố và chịu trách nhiệm xác minh, hướng dẫn các biện pháp chống dịch tại các huyện. Tập hợp các chủ trang trại để tập huấn, hạn chế tối đa việc những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường chăn nuôi giao lưu rộng rãi ngoài môi trường để hạn chế nguồn lây nhiễm” ông Dương nói.
Ông Dương cũng khẳng định “Tình trạng vất lợn ra môi trường là không có vì khi có lợn chết dịch mà vất ra môi trường có thể bị bắt và xử phạt. Thứ hai là không báo để lực lượng chức năng tới xử lý thì không được hỗ trợ nên sẽ không có ai làm như thế. Hiện tượng xác lợn xuất hiện ngoài môi trường ở Bắc Giang có thấy, nhưng là xuất hiện trên dòng kênh mương Đại Thắng (huyện Hiệp Hòa – tiếp giáp với địa phận tỉnh Thái Nguyên). Tính khoảng từ đầu năm tới giờ riêng huyện Hiệp Hòa vớt xác được hơn chục tấn lợn từ trên thượng nguồn trôi về, không biết ở địa phương nào.
Bắc Giang đã từng làm một tấm đăng nơi địa phận giáp với Thái Nguyên, chỉ sau 3, 4 ngày xác lợn bị chặn đầy, buộc phải phá đăng và đem chôn hủy ngay trong ngày. Đặc biệt từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 xuất hiện rất nhiều xác lợn” – ông Dương cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng 10 ngày, nơi giáp ranh giữa huyện Lạng Giang và thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng cũng xuất hiện rất nhiều xác lợn chết. Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác việc chôn lấp lợn chết dịch không bảo đảm nên dẫn tới việc sụt lở, lộ hố chôn… buộc phải xử lý lại.
Trong khi toàn tỉnh Bắc Giang dồn lực chống dịch, thậm chí người chăn nuôi còn bị hạn chế giao lưu tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì nguồn nước bị ô nhiễm trở thành kênh truyền dịch rất khó ngăn chặn.
Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang – ông Dương Văn Thái khẳng định đã giao cho Sở NN&PTNT Bắc Giang làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên để có hướng kiểm soát hiệu quả.