Thận trọng xây dựng kế hoạch năm 2024
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ cải thiện mạnh hơn trong năm 2024; trong đó, nhu cầu vay vốn cải thiện nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024.
Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự báo tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024. Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng trong quý I/2024 so với quý trước, nhưng tốc độ tăng đang chậm dần, đồng thời ngân hàng kỳ vọng có thể giảm trong năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước đã công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% và phân bổ cho từng ngân hàng từ rất sớm. Dựa trên kỳ vọng vĩ mô khởi sắc hơn cả ở trong nước và quốc tế vào năm 2024, giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên là khả thi và không ẩn chứa quá nhiều rủi ro về sau và trong ngắn hạn.
Theo khảo sát, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh. Do đó, các ngân hàng vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch năm 2024, cho dù không ít ngân hàng đạt mức lợi nhuận tỉ USD trong năm vừa qua.
Đơn cử như ở nhóm ngân hàng Big4, dù vẫn tăng trưởng tích cực trong một năm đầy khó khăn của nền kinh tế cũng như của ngành ngân hàng, song năm nay, mục tiêu lợi nhuận được Vietcombank xây dựng sơ bộ là hơn 44.000 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Trong khi đó, ba ngân hàng khối quốc doanh còn lại vẫn chưa có chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể, chủ yếu vẫn tập trung vào việc đạt mức tăng trưởng tín dụng và kiểm soát tỉ lệ nợ xấu...
Doanh nghiệp cần thêm sự chia sẻ về lãi vay
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp vẫn kỳ vọng giảm thêm lãi vay và gia hạn Thông tư 02/2013/TT-NHNN về giãn, hoãn nợ.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2024 mới đây, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, do tình hình suy giảm toàn cầu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) rất khó khăn. Suy giảm tiêu dùng trong năm 2023, cộng với áp lực lãi suất cao đã khiến doanh nghiệp suy kiệt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đối mặt với những khó khăn về áp lực trả nợ, thiếu hụt tài sản đảm bảo thế chấp vay vốn mới. Với Thông tư 02 cho phép giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ thì chỉ những doanh nghiệp biết và kiến nghị lên ngân hàng, còn lại rất khó được ngân hàng công bố rộng rãi xuống các doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp không dám vay vốn ngân hàng để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đã đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách hy sinh một phần lợi nhuận để giảm thêm lãi vay cho các doanh nghiệp.
Hiện, mặt bằng lãi vay đã giảm so với đầu năm 2023, song để có thể vực dậy thị trường, doanh nghiệp cần thêm sự chia sẻ về lãi vay.
Một số đại diện ngân hàng cũng mong muốn được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm Thông tư 02, nhằm kéo dài thời gian, hoãn, giãn trả nợ cho các doanh nghiệp có thêm thời gian và điều kiện để duy trì hoạt động cũng như mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn.