Gắn bó gần 30 năm với nghề nuôi heo, ông Trương Chí Nguyện, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ khoảng 1 năm nay, gia đình ông không dám nuôi nhiều heo như trước đây.
Nguyên nhân giá heo thời gian qua luôn ở mức khá thấp và thường sụt giảm khi cung vượt cầu, hoặc khi xảy ra dịch tả heo Châu Phi. Cùng với đó, vợ chồng ông cũng ngán ngại khi giá thức ăn và thuốc thú y từ giữa năm 2021 đến nay không ngừng tăng đội chi phí đầu vào gần gấp đôi so với thời điểm trước đó.
Ông Nguyện cho biết thêm: Trước đây, lúc nào chuồng nhà ông cũng có từ 60 đến 70 con heo thịt, nhưng nhiều tháng nay chỉ duy trì từ 30 đến 40 con cho an toàn. Giá 1 bao thức ăn giờ gần gấp đôi so với năm trước. Giá thuốc thú y cũng tăng nhiều nhưng giá heo cả năm qua chỉ quanh quẩn mức 4,7 đến 5,5 triệu đồng/100 kg heo hơi nên người nuôi rất dễ thua lỗ.
“Mới hồi cuối tháng 5 rồi, nhà tôi xuất bán 20 con heo chỉ 105 triệu, trong khi chi phí thức ăn, thuốc thú y hết 90 triệu. Cũng may tôi nuôi heo con nhà, nếu như mua heo con nữa chắc lỗ hơn 10 triệu”, ông Nguyện cho biết.
Không riêng ông Nguyện mà nhiều người chăn nuôi heo ở miền Tây đều e ngại với việc đầu tư chăn nuôi trước tình hình giá thức ăn, thuốc thú y liên tục leo thang thời gian qua. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên đàn heo gần đây cũng thường xảy ra càng làm cho người chăn nuôi cân nhắc, cẩn trọng trong việc tái đàn.
“Không nuôi heo thì không biết làm gì có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Nhưng nuôi lúc này vợ chồng tôi luôn lo lắng khả năng bị thua lỗ. Một bao thức ăn bây giờ trên dưới 500 ngàn đồng, trong khi để nuôi 1 con heo tới xuất bán tốn khoảng 6 bao thức ăn. Rồi còn tiền heo giống, thuốc men này nọ nữa, rất khó có lời”, bà Trần Thị Huyền (xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) cho biết.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bạc Liêu, tỉnh hiện có trên 210.000 con heo được nuôi theo hình thức trang trại, hộ gia đình. Trước tình hình dịch bệnh trên đàn heo liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, ngành đã và đang tăng cường các biện pháp quản lý và thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân để bảo vệ tốt đàn vật nuôi.
Tại Sóc Trăng, từ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khuyến cáo người chăn nuôi, các công ty, doanh nghiệp chuyển đổi và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kín, trại công nghệ cao, chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh.