“Trả hết cho người” và hơn thế…
Phiên ngày 19.8, VN-Index đã có vài phút cuối phiên ATC (chính xác thì từ thời điểm 14h43-14h45) giúp đảo chiều cũng theo cách khó có gì gây sốc hơn. Từ mức đang tăng khoảng 5 điểm, chỉ số tăng thốc mạnh lên mức gần 14 điểm khi kết phiên.
Nguyên nhân được xác định ngay là nhờ sức kéo giật bất ngờ của chứng khoán phái sinh phiên đáo hạn hợp đồng tháng 8 VN30, giúp hàng loạt cổ phiếu trụ thuộc nhóm này tăng giá mạnh. Đơn cử như VIC tăng lên mức gần trần cho dù hầu như gần suốt phiên mang sắc đỏ.
Năm 2020 từng chứng kiến 2 lần VN-Index “vay” từ các phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30 đã tăng giật ngược như vậy. Nhưng phiên tiếp sau đó, thị trường thường “trả hết cho người” và thậm chí còn hơn thế nữa.
Phiên giao dịch ngày 20.8, ngay đầu phiên sàn HoSE đã đỏ rực. Tuy nhiên, cũng còn kha khá số mã xanh thậm chí có mức tăng giá khá tốt. Những tưởng, VN-Index phải “trả nợ vay” ở mức tương đương số điểm tăng hôm trước là đã đủ, và cũng là hợp lý. Nào ngờ sang phiên chiều, chỉ số dần giảm sâu.
Cũng có một số thời điểm VN-Index gượng lại nhờ lực cầu bắt đáy khá mạnh nhưng cuối cùng không cưỡng lại được những nhịp đạp giá quá mạnh. VN-Index có lúc đã mất hơn 50 điểm, nhưng cuối phiên gượng về mức còn giảm khoảng 45 điểm, may mắn chưa bị tụt hẳn khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.320-1.325 điểm.
Phiên giao dịch giảm điểm mạnh cũng đã kích lực cầu bắt đáy mạnh, thúc đẩy thanh khoản trên sàn HoSE bùng nổ đạt xấp xỉ 38.350 tỉ đồng. Sàn HNX đạt thanh khoản hơn 6.370 tỉ đồng và UpCom đạt gần 3.120 tỉ đồng. Tổng thanh khoản thị trường hơn 47.840 tỉ đồng, tương ứng hơn 2 tỉ USD.
Vì đâu VN-Index giảm sâu?
Về yếu tố tác động mang tính lôgic được cho là thông tin TPHCM sẽ siết chặt giãn cách từ ngày 23.8 tới công bố tại cuộc họp báo vào sáng ngày 20.8. Đến trưa cùng ngày, thông tin này được đăng tải một cách rộng rãi.
Tuy nhiên, theo chuyên viên kinh doanh B.T.K của một công ty chứng khoán, yếu tố tác động từ thông tin trên chỉ là một phần. Trên thực tế, TPHCM vẫn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 chứ không phải mới bắt đầu hay lần đầu. Nhà đầu tư cũng không còn lạ lẫm với trạng thái giãn cách, cho nên tiếp nhận thông tin khó mà bị sốc tâm lý như trước đây.
Vấn đề được chuyên viên này nhận định thêm là, về tâm lý các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị tác động phần nào song các tay “lái bự” nhân cơ hội này đạp giá xuống để gom hàng giá rẻ.
Trên thị tế, VN-Index đã bị giảm hơn 3% nhưng nhiều cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn giảm giá đến 5-6% chỉ trong phiên này. Với những nhà đầu tư có tiền mặt lớn hay trữ sẵn nhiều tiền mặt chờ mua cổ phiếu giá thấp thì đây là cơ hội tốt.
Một chuyên viên môi giới khác là anh Đ.H.K cho rằng, khả năng lớn hơn là “cá mập” nhân cơ hội đạp giá để “giật hàng” (ý nói đè giá xuống thấp để mua).
Bởi mặt bằng thị trường cổ phiếu vài phiên trước đó, để tận dụng canh mua với mức giá giảm từ 1-2% trong các nhịp rung lắc cũng đã khó khả thi huống hồ là mua được với mức giá giảm tới 5-6% quả là quá hời.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thỉnh thoảng vẫn phải hứng chịu những phiên đạp giá như vậy.