Hoạt động sản xuất đang suy yếu trên toàn thế giới. Châu Âu đối mặt với suy thoái nhẹ vào đầu năm. Sự phục hồi rất được mong đợi của Trung Quốc sau các đợt phong tỏa đang diễn ra chậm.
Câu hỏi hiện nay được đặt ra là liệu có thể tiếp tục tránh những hậu quả tồi tệ nhất hay không?
Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho biết: “Mặc dù triển vọng không rõ ràng trong thời gian tới, nhưng triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm”.
Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang chuyển dây chuyền hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc, cụ thể là sang Ấn Độ, trong khi Mỹ và đồng minh đưa ra các ưu đãi mới để khôi phục lại một số hình thức sản xuất.
Nirav Patel - Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Asia Group - nhận định: “Đó là một quá trình chậm chạp vì không có cơ sở hạ tầng hoặc hệ sinh thái nào ở Đông Nam Á có thể đáp ứng như Trung Quốc”.
Đối với một nền kinh tế toàn cầu gắn liền với đồng USD, các dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh của năm ngoái. Đây là điều đáng khích lệ, nhưng vẫn có những lo ngại cho Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Cơ quan này đang trên đà tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, lãi suất duy trì cao trong bao lâu vẫn là câu hỏi được đặt ra khi các quan chức FED đang phải đối mặt với lạm phát cơ bản ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả từ sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng tại Mỹ cũng kéo theo việc thắt chặt các điều kiện tín dụng, có khả năng kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Hầu hết các chuyên gia vẫn dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bước vào giai đoạn suy thoái trong 12 tháng tới.
Lãi suất tăng ở Mỹ đã đẩy giá trị của đồng USD lên đáng kể. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia có thu nhập thấp sử dụng đồng bạc xanh để trả nợ cũng như nhập khẩu thực phẩm và năng lượng.
Trong khi đồng USD đã có phần suy yếu, IMF cảnh báo vẫn có rủi ro cho các nước nghèo hơn khi đồng USD có thể tăng giá hơn nữa. Hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp và khoảng 1/4 quốc gia có thu nhập trung bình đang lâm vào cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ cao về nợ nần.
Xung đột tại Ukraine cũng đè nặng lên các nước có thu nhập thấp, làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, đồng thời đẩy lạm phát trên toàn thế giới lên cao.
Magdalena Rzeczkowska - Bộ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan - cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Những cú sốc sẽ đến nhưng chúng tôi không biết cụ thể sẽ ra sao. Có rất nhiều điều không chắc chắn về tương lai”.