Giá cước vận tải, hàng hóa, dịch vụ vẫn “đứng im”
Ngày 21.7, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp với mức giảm 2.710 - 3.600 đồng/lít. Giá bán lẻ mỗi lít xăng E5 RON 92 về mức 25.070 đồng, xăng RON 95 mức 26.070 đồng, tương đương mức giá ở tháng 2.2022.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến Nam Định - Hà Nội) cho biết, giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh thời gian qua và duy trì trên mức 30.000 đồng/lít khiến các đơn vị vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn.
Việc giá xăng giảm còn 26.000 đồng/lít và dầu còn gần 25.000 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra vui mừng.
Ông Ngọc nhẩm tính, mỗi tháng, chi phí xăng dầu bị đội lên nhiều và doanh nghiệp vận tải có thời điểm càng chạy càng lỗ. Giá xăng dầu giảm lần này giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, qua đó cân đối được thu chi.
"Đến nay, doanh nghiệp đã khôi phục được 90% hoạt động sau dịch COVID-19. Đây là cao điểm du lịch hè, người dân có nhu cầu đi lại nhiều hơn, do đó xăng dầu giảm giá có ý nghĩa rất lớn đến ngành kinh doanh vận tải", ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết, chưa thể giảm giá vé ngay vì giá xăng hiện tại mới ở mức chấp nhận được. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp chưa dám tăng giá vé.
Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh, truyền thống và siêu thị cho thấy, giá cả hầu hết các mặt hàng hiện vẫn ở mức của thời điểm xăng trên 30.000 đồng/lít.
Theo chị Lê Thị Huyền (37 tuổi), chủ sạp thịt lợn trên phố Dịch Vọng, vài ngày tới giá lợn hơi sẽ có thể sẽ tăng nên giá bán lẻ thịt lợn sẽ khó mà giảm được.
Ngoài ra, giá thành để sản xuất một kg lợn hơi tăng liên tục khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ 4-6 lần trong nửa đầu năm.
Thời điểm này, giá lợn hơi tăng lên gần 90.000 đồng/kg, mỗi kg thịt thành phẩm đã đắt thêm khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng.
"Thời gian vừa rồi giá xăng liên tục tăng dẫn đến giá nhập hàng cũng tăng vọt. Có những ngày đi bán hàng chỉ đủ bù lỗ", chị Hà nói.
Hiện mỗi kg thịt lợn tại các chợ dân sinh dao động 120.000-150.000 đồng; thịt ba chỉ 150.000 đồng, sườn 150.000 đồng, chân giò 120.000 đồng...
Tương tự, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh... tại chợ dân sinh cũng vẫn đứng nguyên giá.
Nhiều tiểu thương cho rằng, khó có thể điều chỉnh giá rau xanh khi mà nguồn cung hạn chế.
"Nhiều loại rau xanh phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Thời gian vừa qua mưa ngập khiến rau củ khan hàng, dẫn đến giá tăng vọt", tiểu thương Lê Thị Nhàn nói.
Hiện, mỗi kg rau cải có giá 12.000 đồng/kg, rau muống 7.000 đồng/mớ, các loại cà chua, hành vẫn ở mức 20.000-25.000 đồng/kg.
Việc giá xăng tăng trong thời gian qua kéo theo giá rau quả, thực phẩm đều tăng cao khiến nhiều người phải chắt bóp chi tiêu trong thời gian vừa qua.
“Gần nửa tháng nay, giá thịt lợn lại tăng lên. Vợ chồng đều làm công nhân, lương thấp nên phải tính toán rất chi ly. Cả nhà chuyển qua ăn một số thực phẩm khác vừa rẻ, vừa được nhiều món”, chị Nguyễn Thị Bích (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Cần thời gian để điều chỉnh chi phí sản xuất
Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào giá xăng, dầu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, người ta quy kết sự tăng giá các mặt hàng là do giá xăng, dầu tăng. Thực ra, giá xăng, dầu chỉ tác động mạnh đến ngành vận tải bởi nó chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí ngành này.
Đối với ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí. Nếu xăng, dầu tăng 10% thì giá hàng hóa chỉ tăng khoảng 3%.
Đối với những sản phẩm có tỷ trọng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cao thì khi giá nguyên liệu tăng, cước vận tải tăng, giá sản phẩm mới bị tác động nhiều.
Cùng trao đổi, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng, giá cả hàng hóa thiết yếu, cước vận tải tăng ngay lập tức.
Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm, giá các mặt hàng chưa giảm tương ứng vì doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh chi phí sản xuất.
Theo ông Lâm, hiện nay, người dân chủ yếu mua bán hàng hóa ở hệ thống chợ truyền thống. Các tiểu thương vì lợi nhuận khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này.
Vì vậy, giá xăng giảm nhưng người dân chưa thể nhanh chóng hưởng lợi.