Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31.10, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho biết, tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém còn rất chậm. Ông đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài, bao gồm cả biện pháp về kinh tế và xử lý trách nhiệm đối với 12 đại dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Trong số 12 đại dự án chậm tiến độ này, ông Lâm dẫn chứng dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Theo đó, năm 2022, công ty này đạt kết quả rất tốt với sản lượng sản xuất vượt kế hoạch, lợi nhuận đạt 1.179 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy gặp nhiều khó khăn, có thể lỗ hàng trăm tỉ đồng. Nguyên nhân bởi giá phân bón giảm mạnh, gánh nợ tài chính rất lớn, lãi suất vay và lãi phạt cao.
Trước tình hình trên, công ty đã xây dựng đề án cơ cấu lại tài chính và nợ của công ty để trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Bộ Chính trị đã kết luận nội dung này, giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ, nhưng đến nay sau gần 1 năm triển khai các kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan chưa có cơ chế xử lý giải quyết triệt để. Do vậy, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết định cơ chế cụ thể đối với công ty.
Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu thực tế của tỉnh Quảng Nam: Các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
"Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông nói.
Đại biểu Dương Văn Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng. Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế; lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đại biểu lưu ý, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp.
Còn đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng để thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, về tín dụng thủ tục hành chính để đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp. Điều này nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng của thế giới, đáp ứng nhu cầu sản xuất xe điện trong nước và xuất khẩu; có lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện.