Diệt “virus trì trệ”, đón cơ hội đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế

Nhóm phóng viên |

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) vừa được tổ chức ngày 9.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần chống dịch như chống giặc, giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch. Tinh thần này cần phải được thúc đẩy”. Với cộng đồng doanh nghiệp, việc xóa bỏ “virus trì trệ” còn là yêu cầu quan trọng để đón bắt các cơ hội đầu tư, đặc biệt là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đang ngày càng rõ nét như hiện nay.

Chần chừ thì cơ hội sẽ về tay người khác

Trao đổi với PV Lao Động, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, khi thực hiện các cuộc khảo sát mới đây, ông có hỏi lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) lớn xem họ cần gì, thì được chia sẻ: DN không xin tiền, mà xin cơ chế.

“Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN” -TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Điều này cho thấy, DN đã rất chủ động, không còn cảnh hễ cứ khó khăn là lập một “thực đơn” kêu khổ, trình bày khó khăn để xin tiền.

Qua cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, cho thấy nỗ lực của DN và tinh thần tự cường, chia sẻ trách nhiệm với xã hội cùng với Chính phủ là rất lớn. Nhiều DN trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỉ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao.

Họ chính là những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế - những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân. Để chống lại “virus trì trệ”, khuyến khích các doanh nhân dám xả thân, quên mình, Chủ tịch VCCI đề nghị Đảng và Nhà nước biểu dương, khen thưởng các tấm gương DN, doanh nhân đã dũng cảm sẻ chia, đoàn kết gánh vác trách nhiệm với xã hội, cùng kiên cường vượt qua đại dịch.

TS Vũ Tiến Lộc nhận định, sau đại dịch COVID-19, thế giới sẽ có sự thay đổi lớn về cách vận hành để phù hợp với tình hình hiện tại. Trong đó, chắc chắn sẽ diễn ra làn sóng chuyển dịch đầu tư mà tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cơ hội đến nhưng cũng sẽ nhanh chóng mất đi nếu bản thân DN Việt Nam không tự vận động, thay đổi và cải thiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Về các giải pháp căn cơ và dài hạn hơn trong thời gian tới, cần phải nhận thức và đón bắt được cơ hội từ làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại hiện đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn.

Để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 - nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. VCCI đề nghị Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương..., để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây cũng chính là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế Việt Nam.

Để đón bắt cơ hội, Việt Nam cần xóa bỏ “virus trì trệ”, vì chần chừ thì cơ hội sẽ về tay người khác. Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, thay mặt VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng DN triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.

Giảm phiền hà và thời gian cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch COVID-19 nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng và suy giảm, các chuyên gia cho rằng tăng cường đầu tư công chính là một trong những định hướng quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế hồi phục. Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (Đại học kinh tế TPHCM), nền kinh tế TPHCM có độ mở lên đến 180%. Theo đó, cứ 1 đồng chi tiêu công sẽ thúc đẩy kéo theo 4 đồng chi tiêu từ người dân. Tuy nhiên, GS Hoài cho rằng định hướng đầu tư công hậu dịch COVID-19 cần quan tâm tới việc khơi thông các điểm nghẽn hạ tầng, trong đó phải dành một khoản ngân sách thỏa đáng để đầu tư giải quyết hành chính công trực tuyến. Nếu hành chính công giải quyết tốt thì sẽ mang tới nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp như giảm phiền hà, rút ngắn thời gian thủ tục, xin phép.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) cứ mỗi 1 đồng chi tiêu công có thể kéo theo hơn 30 đồng chi tiêu từ các doanh nghiệp. Lĩnh vực BĐS có đóng góp lớn vào nền kinh tế từ giá trị cho đến việc giải quyết hàng triệu công ăn việc làm. Tuy nhiên, hiện ngành BĐS tại TPHCM đang gặp rất nhiều khó khăn về các thủ tục.

Theo ông Châu, ngành BĐS gặp khó khăn vì pháp luật chồng chéo, thiếu đồng bộ. Thời gian quy định về đấu giá Nhà nước còn kéo dài, các quy định đầu tư về đất ở 100%, đất tổng hợp… còn rườm rà, nhiêu khê. HoREA kiến nghị Ủy ban Nhân dân TPHCM cân nhắc, ban hành Quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp, phù hợp với các quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS phục hồi và tăng trưởng bền vững sau dịch.

Theo ông Đặng Trọng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty KTG, Việt Nam đang có cơ hội vàng đón làn sóng chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc. Để nắm bắt cơ hội này các bộ ngành cần có những chương trình hỗ trợ đào tạo tay nghề cho kỹ sư, công nhân Việt. Trọng tâm của các chính sách nên tập trung vào lực lượng công nhân trong  các lĩnh vực sản xuất, chế biến và dịch vụ.

Nhiều địa phương linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp

Tại tỉnh Quảng Ninh, do dịch COVID-19 khiến việc xuất nhập cảnh khó khăn nên địa phương này đã đồng ý cho các nhà đầu tư nước ngoài tạm nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục đầu tư qua bản scan. Sau đó, các nhà đầu tư nộp lại hồ sơ bản chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, sau khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, đến nay đã có 5 nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ và giải quyết các thủ tục đầu tư bằng bản scan. Trong đó, 2 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, những dự án còn lại đang được các nhà đầu tư tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung một số giấy tờ liên quan. 5 dự án đều tập trung vào các lĩnh vực phụ trợ ở các KCN của Quảng Ninh.

“Nếu đợi đến khi được nhập cảnh mới sang làm thủ tục thì vừa mất thời gian, vừa mất cơ hội đầu tư. Vì thế, chúng tôi kiến nghị tỉnh Quảng Ninh cho phép các nhà đầu tư nộp hồ sơ theo hình thức này qua email. Tuy nhiên, họ phải cam kết tính xác thực của các bản scan và sớm nộp hồ sơ gốc để thay thế cho các bản scan. Nếu sau này sai thì giấy phép đầu tư sẽ bị thu hồi” - ông Kiên cho hay.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh cũng cho phép một số chuyên gia, người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh để các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Ngoại vụ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát nhu cầu của các doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Đáng chú ý, ông Bùi Văn Khắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, Quảng Ninh đã triển khai một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng sang tuần, Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp tổng thể và sâu rộng hơn nhằm quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực du lịch, Quảng Ninh sẽ thông qua việc miễn-giảm phí tham quan vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử từ giữa tháng 5 cho đến hết tháng 7. Chủ trương này đã được các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và du khách, người dân hứng khởi đón nhận.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 vừa được công bố tiếp tục ghi nhận 59% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch. Đáng chú dù số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao khi có trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

"Phòng thủ chặt COVID-19, phản công nhanh trong phát triển kinh tế"

THEO CHINHPHU.VN |

Chiều 24.4, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh cố gắng thực hiện mục tiêu kép, “phương châm là phòng thủ chặt, tiến công nhanh”, phòng COVID-19, tiến công nhanh là phát triển kinh tế…

Chống dịch COVID-19 phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại

THEO TTXVN |

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: Chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm, chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại.

Hội nghị mở ra nhiều hướng đi để phát triển kinh tế thời hậu dịch COVID-19

nhóm pv |

Để quyết liệt đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau những tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị sáng 10.4, các giải pháp hỗ trợ tổng thể hiện nay cần được nỗ lực triển khai với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và người dân trong cả nước. Báo Lao Động đã trao đổi với nhiều chuyên gia về vấn đề này.

Đánh bom xe chết người ở nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu

Song Minh |

Ukraina ca ngợi vụ đánh bom xe khiến nhân viên nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu thiệt mạng.

Giá vàng hôm nay 6.10: Lỗ nặng sau một tuần mua vào

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 6.10: Sau một tuần mua vào, nhà đầu tư trong nước có thể lỗ tới 1,5 triệu đồng/lượng.

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 là không khoa học

Vân Trang |

Có ý kiến giáo viên cho rằng, việc bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 là không khoa học, gây áp lực cho học sinh.

Những người "phượt" gần 40km để đến công ty ở Hà Nội

Mai Chi |

Hà Nội - Thay vì chọn nơi làm việc gần nhà, nhiều người dân chấp nhận lặn lội đường xa để đến công ty.

Diện mạo đền thiêng biên giới vừa được trùng tu 47 tỉ đồng

Đinh Đại |

Lào Cai - Sau nhiều tháng trùng tu, di tích Đền Thượng và Đền Am ở TP Lào Cai được đầu tư 47 tỉ đồng đã hoàn thiện 99%.