Mệt mỏi với việc gia hạn nợ vay cũ
Chị Ngọc (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) - chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ngành nghề ăn uống - cho biết, mặc dù khá mừng khi được mở cửa trở lại kinh doanh tuy nhiên doanh thu bán hàng qua online rất ít, lãi không đủ bù tiền thuê mặt bằng.
Thêm vào đó, chị đang vay nợ tại ngân hàng cũng gần 5 tỉ đồng để kinh doanh. Chị được ngân hàng cho hay sẽ giảm lãi suất 1%/năm hoặc được hoãn trả tiền lãi 6 tháng, và số lãi này được chia đều ra trả trong vòng 1 năm sau đó. Tuy nhiên, với tình hình doanh thu như hiện nay, thật sự không đủ trang trải các chi phí nên việc giảm lãi suất 1%/năm vẫn ngoài khả năng trả nợ của chị.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 cho kéo dài thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có hiệu lực từ ngày 7.9.2021, được kỳ vọng là chiếc phao cứu sinh kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 3 tuần kể từ khi Thông tư 14/2021 có hiệu lực, nhiều khách hàng nói rằng, việc hỗ trợ này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Anh Trần Phát là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh nhập khẩu dầu nhớt ở quận 1 cho biết, anh có hai khoản vay có thế chấp tại hai ngân hàng với dư nợ hơn 30 tỉ đồng. Thời gian qua do giãn cách nên các cửa hàng đại lý bán dầu nhớt của anh hầu như đóng cửa và không bán được hàng vì các gara sửa chữa ôtô cũng đóng cửa. Do đó, doanh thu hầu như không có.
Anh Phát có làm đơn xin ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất thì chỉ mới được một ngân hàng đồng ý giảm lãi cho anh nhưng phải ký quỹ số tiền 1 tỉ đồng mới được xem xét giảm 0,4%/năm. Ngân hàng còn lại vẫn chưa trả lời phương án cụ thể cho anh.
“Mức giảm lãi 0,4%/năm trong bối cảnh bị mất nguồn doanh thu thật sự vẫn ngoài khả năng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng là để tạo nguồn thu mới cho việc mở cửa kinh doanh trở lại, công ty cần nguồn vốn tín dụng mới từ ngân hàng để trang trải chi phí và kinh doanh nhưng vẫn rất khó khăn trong việc xin tăng hạn mức tín dụng dù tài sản thế chấp của công ty anh vẫn còn giá trị” - anh Phát nói.
Cần gói tín dụng hỗ trợ thật sự hiệu quả
Mới đây, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong thời gian tới có thể triển khai gói cho vay cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng. Theo đó, quy mô dư nợ cho vay của gói này có thể đạt 100.000 tỉ đồng với lãi suất được hỗ trợ tương ứng khoảng 3-4%. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá quy mô này được cho là vẫn còn nhỏ. Và đặc biệt, nếu giữ nguyên tiêu chuẩn cho vay như hiện nay thì các ngân hàng rất khó thực hiện, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được là rất ít.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Duy Phương - cho rằng, đối tượng chính sách này nên hướng đến tất cả doanh nghiệp chịu ảnh hưởng COVID-19. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng vì các ngân hàng sẽ không dám cho vay dưới chuẩn nếu không có quy định pháp lý cụ thể.
Trong giai đoạn qua, các chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại chủ yếu thực hiện cắt giảm lợi nhuận dựa trên các khoản vay nợ hiện hữu, tức dùng nguồn lực của chính ngân hàng. Nguồn lực của các ngân hàng thương mại sẽ sớm bị bào mòn trong thời gian tới, dưới áp lực của nợ xấu, khi ngân hàng vẫn còn đứng trước áp lực về nợ xấu, trích lập dự phòng trong thời gian tới.