Không thể sống mãi bằng tiền hỗ trợ
“Anh ơi cho em hỏi…”. Chúng tôi vẫn còn nhớ như in giọng nói rụt rè của chị Liên qua điện thoại dạo trước, khi thành phố Đà Nẵng vừa ban hành chính sách hỗ trợ cho mỗi hộ dân trên địa bàn 500.000 đồng để có thêm tiền đi chợ và “ai đâu ở yên đó” trong những ngày toàn thành phong toả.
Là chị Liên hỏi chúng tôi, “sao thấy nhiều nơi nhận được số tiền 500.000 đồng rồi còn chỗ em thì chưa, hay là chỗ em không có?”. Chúng tôi giải thích với chị rằng, ai cũng có cả, nhưng các phường, tổ, quận, huyện… có nơi giải ngân nhanh, có nơi giải ngân chậm bởi nhiều lý do khác nhau. Nên chị chịu khó chờ, cũng như chúng tôi cũng đang chờ vì chưa nhận được tiền như chị.
Chị Liên là công nhân của một doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hoà Khánh. Chị kể, những ngày thành phố phong toả, công ty của chị bị khống chế chỉ 30% số lao động đi làm luân phiên nhau, có thời gian thì lên được 50% rồi 70%. Nên số tiền lương chị nhận được cũng tương ứng từ 30% đến 70% so với bình thường.
Đáng nói là chồng chị Liên lại trong tình trạng thất nghiệp hoàn toàn kể từ khi Đà Nẵng bùng phát dịch nên chẳng có phần trăm lương nào. Thế là một mình chị phải gồng gánh thêm chồng và hai con nhỏ. Vậy nên chị bảo, “500.000 đồng đối với gia đình em bình thường to một thì những ngày này to mười bởi có nó sẽ tạm thời giải quyết được cái đói trước mắt…”.
Hôm nay lại là điện thoại của chị Liên. Giọng chị trong máy nghe rất vui. Chị khoe không những đã nhận được số tiền 500.000 đồng của thành phố rồi mà tới đây, công ty chị sẽ được đi làm 100% thời gian khi thành phố mở cửa bình thường trở lại.
“Những ngày dịch cao điểm, ngoài tiền của thành phố, em còn nhận được hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Nhưng tất cả cũng chỉ giúp giải quyết khó khăn trước mắt. Gia đình em không thể sống mãi bằng tiền hỗ trợ. Về lâu dài, chỉ khi nào doanh nghiệp bình thường thì người lao động như em mới bớt đi được khó khăn” - chị Liên nói.
Đã sẵn sàng cho sự bình thường?
Nôn nao là cảm giác chung của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp của Đà Nẵng khi thành phố đang chuẩn bị các bước để có một sự “bình thường mới” vào đầu tháng 10 tới đây.
“Hiện chúng tôi đã sẵn sàng mọi thứ để người lao động được đi làm 100% khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới” - ông Hồ Sỹ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vinakad-doanh nghiệp chuyên về dệt may xuất thị trường Mỹ ở khu công nghiệp Hoà Khánh cho biết.
Theo ông Tân thì đến thời điểm này, Vinakad chỉ có 70% người lao động được đi làm, nên thu nhập cũng chỉ bằng 70% so với mọi khi (khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng). “Cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, mọi chuyện sẽ được giải quyết khi mọi thứ trở lại bình thường” - ông Tân nói.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may 29.3 - cũng đang háo hức với viễn cảnh công ty mình sẽ hoạt động bình thường với 100% người lao động đi làm trở lại.
Ông Chính bảo, khi mọi thứ không bình thường thì khó khăn bủa vây tứ phía. “Ngay như những ngày này, dù hàng hoá chúng tôi đã hoàn thành kịp tiến độ theo như yêu cầu của đối tác. Nhưng chúng tôi tìm đủ mọi cách vẫn không xuất được các lô hàng đi Mỹ và Pháp do thiếu container rỗng” - ông Chính cho biết.
Lý do thiếu container rỗng, ông Chính cho rằng, những ngày này, do ảnh hưởng của dịch nên không chỉ các nhà máy ở Việt Nam mà cả nước ngoài đều giải phóng hàng hoá rất chậm. Đây là thực trạng không chỉ của riêng Công ty Cổ phần Dệt may 29.3 mà là khó khăn chung của tất cả doanh nghiệp có vận chuyển hàng hoá bằng container ở trong nước.
Và để chuẩn bị cho doanh nghiệp hoạt động bình thường thì tiêm vaccine cho người lao động là yếu tố tiên quyết. Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tính đến thời điểm này, đã có 82% người lao động tại các khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng được tiêm vaccine COVID-19 (ít nhất 1 mũi).
Với khoảng 1.000 lao động trú tại Quảng Nam và khoảng 3.000 lao động ở các tỉnh thành khác đang bị mắc kẹt chưa quay trở lại thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch tiêm ngay sau khi họ trở lại làm việc.