Thuê đất rồi bỏ hoang
Thống kê của Ban quản lý (BQL) các KCN Đắk Lắk, tại KCN Hòa Phú đang có 34 doanh nghiệp đang hoạt động, xây dựng nhà máy để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng số người lao động hiện đang làm việc ở KCN là khoảng 1.700 người, đến từ khắp các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khác trên cả nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả các lô đất bên trong KCN đều đã có chủ. Tuy vậy, rất nhiều lô đất ở khu vực này vẫn đang bỏ hoang hoặc nếu có xây dựng thì cũng dang dở, chẳng có người thi công, cỏ dại mọc um tùm.
Đơn cử, lô đất trống của Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gạch không nung Mil Chil thuê đã lâu nhưng mới chỉ xây dựng 1 nền móng và không thể triển khai tiếp dự án vì thiếu vốn. Ngoài ra, một lô đất khác được Công ty CP thương mại xuất khẩu Xuân An thuê để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đang bỏ hoang. Đơn vị này vẫn chưa xây dựng bất cứ hạng mục nào trong suốt một thời gian dài.
Đại diện BQL các KCN Đắk Lắk phản hồi rằng, sau dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, tài chính eo hẹp nên vẫn chưa thể triển khai xây dựng được. Bên cạnh đó, một số lô đất đang trong tiến độ thực hiện dự án đầu tư và vẫn đang nằm trong thời hạn đầu tư. Vì lẽ đó, nên doanh nghiệp vẫn có thể giãn thời gian xây dựng nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ thi công theo quy định.
Được biết, năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Hòa Phú có diện tích gần 182ha, cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột gần 15km đi về phía nam. Tuy vậy, đã nhiều năm trôi qua nhưng việc chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mới chỉ xử lý được 167ha. Năm 2012, gần 13ha đất còn lại đã được UBND TP.Buôn Ma Thuột phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tổng số tiền khoảng 12 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được kinh phí.
Không gia hạn, tiến hành thu hồi đất
Hiện, Đắk Lắk - thủ phủ của Tây Nguyên mới chỉ có duy nhất một KCN như đã nêu ở trên.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Nghiệp vụ (BQL các KCN Đắk Lắk) - cho biết: ‘’Đối với trường hợp của Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gạch không nung Mil Chil, đơn vị sẽ chỉ đạo doanh nghiệp này làm thủ tục, hồ sơ trình Sở Tài nguyên Môi trường xem xét tham mưu UBND tỉnh thu hồi lại đất đã thuê theo đúng quy định của pháp luật khi không thể triển khai dự án trong suốt một thời gian dài’’.
Còn phía Công ty CP thương mại xuất khẩu Xuân An thì BQL các KCN Đắk Lắk đã không cho giãn tiến độ thi công và yêu cầu thu hồi đất. Bởi doanh nghiệp này đã 18 tháng liên tục không triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, giấy phép xây dựng của họ cũng đã quá hạn 6 tháng nhưng vẫn không triển khai thi công. Đơn vị sẽ lấy lại đất để cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu thuê - ông Minh thông tin.
Ông Lê Văn Cường - Phó Trưởng ban BQL các KCN Đắk Lắk - cho hay, đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng thêm một KCN Phú Xuân ở huyện Cư M’Gar với diện tích lên đến 325ha. Dự kiến một doanh nghiệp trong nước sẽ làm chủ đầu tư...