Rối rắm thị trường xăng dầu
Phản ánh tới Báo Lao Động, Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Cần Giờ cho biết, đơn vị đã gửi công văn đến Sở Công thương TPHCM và Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM để trình bày về hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Theo đó, đơn vị này cho biết, hiện công ty đang có 17 cây xăng và 36 đại lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn nên các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng.
"Do đó, chúng tôi không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của công ty và có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới", lãnh đạo công ty này cho hay.
Nguyên nhân được lãnh đạo công ty này lý giải, là do "Công ty Cần Giờ là thương nhân phân phối không thể nhập khẩu được xăng dầu, phải thông qua các thương nhân nhập khẩu để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình".
Bởi vậy, họ bị động trước vấn đề nguồn cung khi phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối…
Trao đổi với Lao Động, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) khẳng định, thị trường ngày càng bất ổn, doanh nghiệp đang thua lỗ, nhất là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Hiện tại, hệ thống của Bội Ngọc cũng có những thời điểm đứt nguồn cung mặc dù lấy hàng của Công ty CP Tập đoàn Dương Đông, đầu mối có thị phần lớn về xăng dầu.
Về việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu "càng bán, càng lỗ" là vì mức chiết khấu thấp và nhiều doanh nghiệp đã phải bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt..., gần đây là đóng cửa hàng loạt, ông Giang Chấn Tây cho rằng, việc giải thích từ phía cơ quan điều hành giá không thỏa đáng khi cho rằng "các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu".
Đã thống nhất "chỉnh" phụ phí, chi phí xăng dầu
Trước những bất cập của thị trường xăng dầu đã đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng vừa lên tiếng về những bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay.
Theo ông Đông, ngay trong ngày 6.10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu.
Qua đó cũng góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ.
Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn như hiện nay", ông Đông nói.