Thuế TNCN áp dụng cho tài xế công nghệ điều chỉnh tăng từ 1.8
Theo Thông tư 40/TT-BTC (Thông tư 40), có hiệu lực từ 1/8/2021, Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Thông tư này xác định tiền thưởng được tính vào doanh thu chịu thuế và doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách sẽ được tính thuế TNCN là 1,5%.
Hiện tại, tiền thưởng của tài xế công nghệ đang được tính ở mức 1% thuế TNCN, theo hướng dẫn tại Công văn số 384/TCT-TNCN Tổng cục Thuế ban hành ngày 8/2/2017. Như vậy, mức thuế TNCN cho tài xế công nghệ sẽ được điều chỉnh từ 1% lên 1,5%.
Với mức tăng này, nếu doanh thu của một tài xế công nghệ là 120 triệu đồng/năm (bao gồm cả doanh thu và tiền thưởng) thì riêng tiền thuế TNCN, theo Thông tư 40, tài xế đã phải nộp 1,8 triệu đồng/năm (tương đương 150.000 đồng/tháng), thay vì 1,2 triệu đồng/năm (tương đương 100.000 đồng/tháng) như mức thuế TNCN hiện nay. Mức tăng này làm giảm số tiền thực nhận của mỗi tài xế bởi trên thực tế sau khi trừ đi các chi phí (nhiên liệu, chiết khấu của các hãng cung cấp dịch vụ...) số tiền thực nhận của tài xế thường dao động từ 65-70%.
Tài xế kêu khó, mong hoãn tăng thuế
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Tính - 32 tuổi, tài xế GrabBike tại TpHCM cho biết anh là lao động chính của gia đình và do không may tiếp xúc với các nghi nhiễm trong quá trình làm việc nên gia đình anh liên tục phải chịu cảnh tự cách ly tại nhà, không thể đi làm trong hơn 1 tháng. Hiện nay anh vẫn không thể đi làm vì anh cư ngụ trên địa bàn Long An, giáp ranh TP.HCM, nơi cũng áp dụng Chỉ thị 16.
Anh cho biết để chi trả các chi phí sinh hoạt, anh phải vay mượn nhiều nơi, không biết đến khi nào ổn định lại để có thể đi làm được như bình thường. "Trước những khó khăn đang chồng chất khó khăn thì gần đây tôi có nhận được thông tin rằng chỉ còn vài ngày nữa thì sẽ tăng thuế đối với thu nhập ít ỏi của tôi từ việc chạy Grab, theo qui định của Thông tư 40. Trong hoàn cảnh cũng như thời gian này, dịch bệnh đang làm chúng tôi mất việc làm, ảnh hưởng rất mạnh đến cuộc sống của gia đình tôi và các anh chị em đồng nghiệp. Vì vậy, tôi tha thiết mong muốn các Cơ quan Thuế hãy tạm dừng áp dụng Thông tư 40 tại thời điểm này và đồng thời xem xét khó khăn của chúng tôi để có thể hỗ trợ về việc giãn thuế năm 2021 để chúng tôi có thể đủ sức lực và thời gian để chống chọi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay." anh Tính chia sẻ.
Cũng phải dừng chạy xe do dịch COVID-19, ông Phạm Thành Triệu, 67 tuổi, tài xế GrabBike ở TPHCM cho rằng việc Bộ Tài chính tăng thuế, thì mọi người phải chấp hành nhưng việc áp thuế vào thời điểm hiện nay là "không hợp lý".
Ông Triệu chia sẻ tài xế công nghệ có đặc thù công việc là làm việc ở ngoài đường chứ không ngồi một chỗ, nên trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, các tài xế công nghệ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh rất cao. "Bình thường kiếm tiền đã khó, nay dịch bệnh mức độ nguy hiểm tăng cao, khó khăn chồng chất mà lại còn tăng thuế thì tôi thấy không hợp lý. Mặc dù hãng Grab cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng theo tôi, nhà nước cũng nên hỗ trợ, xem xét lại để chia sẻ khó khăn cho anh em tài xế. Nếu có buộc phải áp dụng thì nên hoãn lại thời điểm áp dụng, ít nhất cũng nên hoãn tới hết năm 2021 chứ không nên áp dụng từ ngày 1.8, thời điểm cả nước vẫn đang gồng mình chống dịch".
Với tâm trạng lo lắng, anh Tuấn Anh, tài xế GoJek tại Hà Nội cho biết từ 24.7 Hà Nội cũng áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 nên khó khăn cho anh em tài xế công nghệ vốn dã nhiều nay càng nhiều hơn.
"Không chạy xe thì sống thế nào, mà chạy xe thì nguy hiểm vì công việc này tiếp xúc nhiều, nguy cơ mắc bệnh cao. Không chỉ vậy, để được làm việc anh em còn phải tốn thêm thời gian, chi phí xét nghiệm. Do vậy nếu tăng thuế từ 1.8, thì thực sự là quá sức với anh em tài xế chúng tôi", anh Tuấn Anh nhận định.
Theo anh Tuấn Anh, bình thường nếu chạy chăm chỉ rồi chắt chiu chi phí và được cả thưởng thì anh em mới chỉ thu về 65-70% doanh thu, nay thêm các chi phí mới như chi phí xét nghiệm lại tăng thuế thì số tiền thực nhận có khi chỉ còn 50%.
Grab: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ phần thuế TNCN tăng thêm cho toàn bộ đối tác tài xế đến hết năm 2021”
Trao đổi với phóng viên, đại diện công ty Grab Việt Nam cho biết dù Grab đã liên tục có nhiều chính sách hỗ trợ, ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ để tăng nhu cầu của người dân, qua đó tăng cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và khó khăn về kinh tế là không thể tránh khỏi.
Là đơn vị thu hộ và nộp hộ thuế, bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ chính sách, pháp luật Việt Nam, cụ thể là các thông tư, hướng dẫn liên quan, Grab đã gửi kiến nghị đến Cục Thuế TPHCM nhằm đảm bảo thực thi chính xác phép lệnh thuế của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của Đối tác tài xế Grab, cũng như các Đối tác tài xế khác. Bên cạnh đó, Grab cũng đang điều chỉnh các chính sách thưởng, giúp ổn định cơ hội thu nhập của Đối tác tài xế một cách tốt nhất. Trước mắt, Grab sẽ hỗ trợ phần thuế TNCN tăng thêm cho toàn bộ đối tác tài xế trong giai đoạn 1.8 đến 31.12.2021 như một lời cảm ơn và san sẻ khó khăn mà đối tác tài xế đang gặp phải.