Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) chuẩn bị đưa ra quyết định lãi suất và được kỳ vọng sẽ sớm nới lỏng chính sách.
Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, nền kinh tế tăng mạnh hơn mong đợi cùng với chỉ số lạm phát cao hơn dự kiến đang đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đi xa hơn trong tương lai.
Marc Chandler - Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex - cho biết sau dữ liệu CPI của khu vực đồng Euro yếu hơn dự kiến vào tuần trước, thị trường đánh giá chỉ có 10% khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ECB. Song, hiện ECB được dự đoán sẽ nới lỏng vào tháng 6.
Ông nói: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Mỹ có thể là do thâm hụt ngân sách gần gấp đôi mức của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Châu Âu cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi gián đoạn do xung đột Ukraine khiến giá năng lượng ở châu Âu cao hơn ở Mỹ. Những gì chúng ta đang thấy là lĩnh vực sản xuất ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Đức, vẫn đang chịu áp lực. Trớ trêu thay, các khu vực ngoại vi như Tây Ban Nha và Ý lại đang hoạt động tốt hơn”.
Adam Button, Trưởng bộ phận Chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com, tin rằng ECB và FED đang ở vị trí đối nghịch, đồng thời đồng Euro sẽ chịu áp lực trong thời gian tới. Theo đó, nhu cầu về vàng ở châu Âu có thể lên cao. Nếu nhu cầu vàng tăng cao hơn tại Mỹ, đó là khi giá USD quay đầu.
"Hiện vàng đang được củng cố vị thế, có thể cả trong dài hạn. Chúng ta đang có thời điểm có tính thanh khoản mạnh nhất lịch sử. Chừng nào giá vàng tăng, dòng tiền sẽ còn đổ vào vàng. Khi châu Âu suy yếu, vàng sẽ được tìm đến" - ông Button phân tích.
Ông Button cho biết, chính sách của các ngân hàng trung ương có thể khó thay đổi trong thời gian tới, nhưng mọi thứ sẽ thay đổi trong những năm tới.
“Vào năm 2025, ECB sẽ có đủ khả năng để tiếp tục cắt giảm lãi suất còn FED thì có thể không. Tôi nghĩ đó là lúc có sự phân kỳ. Năm 2026 là lúc Hoa Kỳ thực sự bắt đầu gặp vấn đề vì đó là lúc IRA (Đạo luật giảm lạm phát) và Đạo luật Khoa học và CHIPS hết hiệu lực".
Nhưng trong thời gian tới, nếu ECB nới lỏng chính sách trước FED, các loại tiền tệ và giá vàng có thể chịu ảnh hưởng.
Về phần mình, ông Chandler lại có quan điểm ngược lại: "Cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu và Nhật Bản đang hoạt động tốt, bên cạnh đó là Nhật Bản đã tăng lãi suất.... Tôi không chắc việc cắt giảm của ECB là chất xúc tác chính cho giá vàng hay không. Giá vàng có thể tăng, và đã tăng".
Sáng nay ngày 11.4, giá vàng SJC trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 82,1-84,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
So với mở cửa phiên giao dịch sáng qua, giá vàng SJC được DOJI điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.