Chỉ sau 3 phiên tăng trần liên tiếp 1 - 3.2, cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG đã bổ sung thêm 7.400 tỉ vốn hóa. Với hơn 3,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương ứng tỉ lệ 9,837% vốn, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - CEO VNG cũng tăng thêm hơn 700 tỉ đồng, chính thức vượt mức 1.560 tỉ đồng.
Cụ thể về diễn biến trong tuần, chỉ có đúng 3 phiên VNZ xuất hiện giao dịch với 100 cổ phiếu/phiên. Số lượng cổ phiếu sang tay rất nhỏ giọt cũng đủ khiến VNZ kịch trần lên 444.300/cổ phiếu, chễm chệ trên top 1 mã chứng khoán đắt đỏ nhất Việt Nam.
Trước đó, suốt hơn 1 tháng qua, VNZ không xuất hiện bất kỳ giao dịch nào. Bên mua liên tục dồn lệnh nhưng bên bán không ai chịu "nhả hàng". Do có tỉ lệ free-float thấp nên đồng nghĩa rằng VNZ có khả năng biến động lớn. Đồng thời đi kèm với rủi ro lớn hơn khi giá cổ phiếu có thể dễ bị thao túng.
Các hệ số beta, P/E và EPS của mã này hiện đang rơi vào trạng thái âm lần lượt là -10,36; -23,30; -19,071.
Diễn biến thăng hoa của VNZ đang đi ngược với lợi nhuận u ám vừa công bố. Cụ thể, trong năm 2022, Công ty CP VNG lỗ ròng lên đến 1.315 tỉ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỉ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG.
So với kế hoạch cả năm 2022 đã đặt ra với doanh thu 10.178 tỉ đồng và lỗ sau thuế 993 tỉ đồng, VNG chỉ đạt 77% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế vượt ngoài con số dự kiến.
Cũng trong năm ngoái, VNG rót thêm hơn 1.000 tỉ đồng vào các startup nhưng chỉ có khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm. Tính đến 31.12.2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG lên tới 643 tỉ đồng. Một số khoản lỗ từ đầu tư có thể kể như sàn thương mại điện tử Tiki có khoản lỗ lũy kế đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỉ đồng). Ba khoản lỗ lớn tiếp theo nằm tại Telio (lỗ 58 tỉ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỉ đồng), và Ecotruck (lỗ 24 tỉ đồng)...
VNZ là mã chứng khoán đầu tiên "xông đất" sàn UPCOM trong năm 2023 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu.