Nhiều khó khăn thách thức
Dữ liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại buổi làm việc với đại diện 5 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang. Dữ liệu cho thấy, tín dụng cho khu vực ĐBSCL đạt được mức tăng rất lớn trong các năm gần đây.
Chỉ tính đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng toàn khu vực đạt 665.876 tỉ đồng, tăng 15% so với ngày 31.12.2018 và tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn quốc (13,7%), chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các mặt hàng nông sản là thế mạnh của khu vực luôn có mức tăng trưởng cao hơn của toàn quốc. Cụ thể, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22% so với cuối năm 2018 và chiếm tỉ trọng 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; dư nợ cho vay lúa gạo tăng 7,5%; thủy sản tăng 11,8% và rau quả tăng 15,9%.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Điều này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019 và dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%.
“Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2.2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang đều ở mức thấp dưới 2%” - đại diện NHNN cho biết.
Cần nhiều giải pháp tổng thể
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - cho hay, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới để khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Ngay trong đợt hạn mặn năm nay, NHNN cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh vùng ĐBSCL và các ngân hàng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Đồng thời, ngành Ngân hàng khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đáng chú ý, theo đại diện 5 tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác hại kép từ thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài từ tháng 12.2019 đến nay và những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Các chuyên gia dự kiến, tình trạng này sẽ tiếp tục tăng, duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để hoạt động tín dụng đạt kết quả cao và ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành Ngân hàng cần sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các địa phương. Đặc biệt trong việc chỉ đạo các các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương phối hợp nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.