Ngày 11.9, tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk tổ chức, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - nhận định: "Giá sầu riêng đang ở mức cao, là cơ hội và cũng là thách thức lớn đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, cần lường trước những khó khăn, thách thức trong tương lai. Trước đây, đã có nhiều ngành hàng nông sản có tiềm năng, được giá nên ban đầu rất háo hức phát triển, nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch rớt giá. Chính vì vậy, khâu tổ chức sản xuất tiêu thụ cần phải gắn kết chặt chẽ. Chính quyền, doanh nghiệp và nông dân chịu trách nhiệm với hình ảnh nền nông nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp phải thẩm thấu được bên cạnh lợi nhuận trong mỗi ký hàng thì phải còn trách nhiệm với quốc gia. Các đơn vị phải mở rộng từ quan hệ mua bán trở thành hợp tác lâu dài, cùng nhau phát triển. Trong tương lai, bộ sẽ phác thảo về những quy chuẩn chi tiết để người nông dân có căn cứ để làm theo".
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất. Doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục nhấn mạnh: Đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là bộ thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp của nước ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin, điều chỉnh sản xuất.
Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỉ USD (tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022).
Tính đến tháng 8.2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.