Việc tăng lãi suất của FED thường không ngay lập tức làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế Mỹ. Các chính sách phải mất thời gian để tác động đến thị trường. Trong lịch sử, trung bình sẽ mất 2-3 năm kể từ khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất cho đến thời điểm bắt đầu suy thoái kinh tế.
Ngược lại, thị trường lao động đang có tỉ lệ thất nghiệp gia tăng nhẹ và tốc độ tăng lương chậm lại. Sự tăng trưởng này có biến thành suy thoái nghiêm trọng hay không còn phụ thuộc vào mức độ cắt giảm kích thích tài chính, lãi suất thế chấp tăng (làm hạ nhiệt thị trường bất động sản) và giá nhiên liệu tăng. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu chỉ giảm nhẹ.
Theo dữ liệu do Cục Lao động và Thống kê Hoa Kỳ công bố ngày 14.11, tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ đã giảm từ 3,7% trong tháng 9 xuống 3,2% trong tháng 10. Đây là dữ liệu tích cực hơn dự báo của các nhà kinh tế là 3,3%. Do lạm phát cơ bản thấp hơn kỳ vọng, đây được coi là một yếu tố khiến việc tăng lãi suất của FED vào tháng 12 gần như không khả thi. Những kỳ vọng này của thị trường đã khiến chỉ số USD (DXY) giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.
Trước khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được công bố, thị trường ước tính 86% khả năng FED sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn tại cuộc họp tháng 12 và 25% khả năng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 1.2024.
Tuy nhiên, kỳ vọng này đã thay đổi đáng kể: Các nhà đầu tư gần như tin tưởng 100% FED đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt hiện tại và thậm chí có thể cắt giảm lãi suất ít nhất bốn lần vào năm 2024. Tình hình giảm phát có khả năng buộc FED phải hạ lãi suất cơ bản vào cuối năm 2024 xuống mức 2,50%-2,75%.
Sự chậm lại của thị trường lao động Hoa Kỳ, lạm phát thấp hơn và kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024 là những yếu tố đẩy đồng USD suy yếu trong ngắn hạn. Minh chứng rõ nét nhất là cặp tỷ giá USD/JPY với kỳ vọng sẽ còn thu hẹp còn khoảng 144 điểm đến cuối năm nay. Đây là cơ hội để tỷ giá đồng Yên thu hẹp.