Những quyết định trái ngược từ chính quyền
Trong quá trình xây dựng, chỉnh trang đô thị, từ 2006, 2 Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc được di dời, bố trí tại Khu công nghiệp tập trung Thanh Vinh tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Bấy giờ, theo quy hoạch, giai đoạn 2 của khu CN Thanh Vinh còn mở rộng thêm hàng chục hécta. Tuy nhiên, do thực tiễn đầu tư công nghiệp chậm phát triển, thiếu doanh nghiệp sản xuất nên từ 2008, Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, hủy giai đoạn 2, không mở rộng khu CN Thanh Vinh thêm nữa. Điều này đồng nghĩa với việc 2 nhà máy thép liền kề với khu dân cư.
Cho rằng bị gây ô nhiễm, nhân dân Hòa Liên phản ứng, đòi chính quyền giải quyết. Thời điểm này, liền kề với các nhà máy thép chỉ 30 hộ dân, vì vậy, chính quyền đã lập phương án dời dân đến khu tái định cư. Tuy nhiên, khu ở mới chưa xây xong, thì đã xảy ra hiện tượng xây dựng nhà tạm, chia khẩu, tách hộ để “chạy” đền bù... Từ 30 hộ ban đầu, đến 2015 đã phát sinh thêm hơn 500 hộ. Việc tách thửa, chia lô, đăng ký thêm khẩu với hơn 1.200 lô đất. Vỡ quỹ đền bù, di dân, chính quyền dừng phương án giải tỏa, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tăng nhân khẩu...
Lúc này, nhà máy vẫn hoạt động, dân vẫn ở và ngày càng đông nên xảy ra xung đột. Từ 2016-2018, dân liên tục bao vây nhà máy vì cho là ô nhiễm. Một số khác mong tạo áp lực với chính quyền để sớm được đền bù, để “thu hồi vốn” đã “đầu tư” vào các phi vụ chạy đền bù giải tỏa. Đây là lý do Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chủ trương đóng cửa 2 nhà máy, buộc di dời. Sau khi Ban thường vụ thông qua chủ trương, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - đã ký quyết định đóng cửa hai nhà máy từ quý I/2018.
Doanh nghiệp “dính” vào lao lý
Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT Cty CP thép Dana - Ý - cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn không có lỗi tronng chuỗi sự kiện này. Môi trường luôn được kiểm soát và nhà nước kiểm tra, thẩm định định kỳ, DN chưa từng bị xử phạt hành chính. Việc đóng cửa nhà máy gây ra thiệt hại về kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp.
Không đồng tình với chính quyền, hai nhà máy thép đã khởi kiện Quyết định của UBND TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, cả 2 lần Tòa án Nhân dân TP.Đà Nẵng đưa ra xét xử, cả hai phía khởi kiện và người bị kiện đều cùng thống nhất đề nghị tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đối thoại, thỏa thuận với nhau tìm hướng giải quyết vụ việc.
Đến nay, việc đình chỉ hoạt động sản xuất, khiến Cty CP thép Dana Ý, thiệt hại gần 1.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó là thiệt hại do giảm sút thương hiệu và bốn đối tác nước ngoài có góp vốn và hợp đồng cung cấp nguyên liệu là các cá nhân, Cty của Mỹ, Nhật Bản, Newziland, Singapore và Australia có thể khởi kiện vì bị hủy hợp đồng không có lý do chính đáng… thì con số thiệt hại sẽ còn tăng gấp nhiều lần.
Sau nhiều lần hòa giải bất thành, TAND TP.Đà Nẵng tiếp tục hoãn phiên xét xử sơ thẩm hôm 24.1.2020 vì cho rằng cận Tết Nguyên đán (nhằm 27 Tết). Sáng 25.2, TAND TP.Đà Nẵng mở lại phiên sơ thẩm. Tuy nhiên thay vì xét xử, toàn đã cho 2 bên nguyên và bị đơn tiếp tục thảo luận, tìm giải pháp hòa giải.
Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT Cty Dana Ý - cho rằng không doanh nghiệp nào muốn kiện chính quyền cả, nhất là khi dừng hoạt động một ngày thì nợ nần ngân hàng tăng chóng mặt như hiện nay. Tuy nhiên nếu không có giải pháp khả thi để di dời, đền bù hoặc di dời dân để các nhà máy hoạt động lại thì khó tránh được vụ kiện. Không chỉ trong nước mà các cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa vụ kiện ra tòa quốc tế. Như vậy, không chỉ khó cho doanh nghiệp mà chính quyền cũng sẽ mất uy tín khả năng đền bù mức nhiều hơn.