Cụ thể, giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,01 USD, tương đương 3%, lên mức 70,1 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 1,68 USD, tương đương 2,3%, lên mức 74,25 USD/thùng.
Cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều đã nhanh chóng phục hồi sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật nâng trần nợ công nhằm tránh nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư được cải thiện.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ nhờ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới. Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy hiện có khoảng 65% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp diễn ra vào ngày 14.6.
Hiện, tâm điểm của thị trường cũng đang chuyển dần sang cuộc họp ngày 4.6 của OPEC+.
Theo Reuters, OPEC+ khó có thể cắt giảm nguồn cung sâu hơn tại cuộc họp tới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng khả năng này vẫn có thể xảy ra do các chỉ số nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ trong những tuần gần đây liên tục gây thất vọng.
Theo đó, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 giảm về 48,8 điểm; chỉ số PMI phi sản xuất về mức 54,5 điểm. Điều đó phản ánh nhu cầu dầu suy yếu.
Trong khi đó, số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 5,2 triệu thùng trong tuần trước. Còn dự trữ xăng cũng tăng khoảng 1,9 triệu thùng; dự trữ nhiên liệu chưng cất tăng 1,8 triệu thùng.
Trong nước, chiều qua liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.
Sau khi điều chỉnh, giá xăng tăng cao nhất là 516 đồng/lít và giá dầu giảm cao nhất là 275 đồng/lít (kg). Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 5 lần giảm, và 1 lần giữ nguyên.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 2.6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít; dầu diesel không quá 17.943 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.771 đồng/lít; dầu mazut không quá 14.883 đồng/kg.