Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh, đơn giản thủ tục
Trong một tuần qua, chị Trần Thanh Hương (trú tại Hà Nội) liên tục liên hệ với công ty cũ, cơ quan thuế và nhờ kế toán tại công ty mới hướng dẫn quyết toán Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 bởi giữa năm chị chuyển việc.
Theo quy định hiện nay, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai đơn vị khác nhau phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
“Thu nhập của tôi trong năm 2022 đều chỉ do hai công ty chi trả. Công ty cũ cũng đã khấu trừ thuế theo tháng. Do đó, nếu tôi có thể uỷ quyền cho hai công ty quyết toán giúp tôi phần thu nhập mà đơn vị trả thì tôi và nhiều người giống như tôi sẽ đỡ vất vả hơn” - chị Hương kiến nghị.
Còn anh Ngô Văn Minh (trú tại Nam Định) kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cả cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc. Theo anh Minh, lạm phát vẫn tăng, thu nhập lại không tăng mà còn giảm sau thời gian COVID-19.
“Hiện nay, chi phí nuôi con ăn học không phải chỉ 4,4 triệu đồng mà cao hơn. Tôi chỉ ví dụ, con tôi ngoài chi phí học chính khoá còn phải học thêm các môn, rồi tiền mua sách vở, sách nâng cao và các chi phí khác. Đấy là chúng khoẻ mạnh, không tốn tiền thuốc thang, đi viện” - anh Minh nói.
Và anh Minh kiến nghị nâng cả mức giảm trả gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng hiện nay lên 13 triệu đồng và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng lên ít nhất 5,5 triệu đồng/người.
Chờ điều chỉnh theo CPI là quá lâu
Là người tham gia xây dựng Luật Thuế TNCN ngay từ thời kỳ đầu, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế - cũng đồng tình với kiến nghị của anh Minh. Tuy nhiên, theo bà Cúc, luật phải được sửa toàn diện. Bởi nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế và thuế suất không thay đổi thì mới chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế; trong khi những người đang nộp thuế lại không được điều chỉnh đáng kể.
Quy định đang áp dụng 7 bậc thuế suất. Có nhiều ý kiến đề xuất giảm xuống còn 5 bậc. Theo bà Cúc, nếu chỉ giảm bậc thì mức thuế suất cao nhất vẫn là 35% nên khi sửa đổi cần giảm thuế suất xuống cao nhất là 30%.
Bà Cúc cũng kiến nghị, không chỉ với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cần tính toán lại nhiều đối tượng chịu thuế và nhiều khoản thu nhập khác; trong đó có những khoản cần mở rộng, có những khoản cần phải xem xét lại. Đơn cử như cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí nhưng có doanh thu 100 triệu đồng trở lên thì phải chịu thuế là chưa hợp lý. Hay một số khoản thu nhập như từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn… trong cách tính hiện nay cũng đang có vấn đề.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) - cũng cho hay, bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu hay thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.
Liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh như anh Minh kiến nghị, luật sư Đức cũng cho rằng, hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến dẫn đến tình trạng cào bằng.
Ví dụ, một người thu nhập trên trung bình nhưng vẫn sống khó khăn vì phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở. Trong khi đó, một người có thu nhập thấp hơn nhưng lại sống thoải mái hơn vì phải nộp thuế ít hơn và không phải chi cho y tế, học hành…