Kể từ tháng 6.2020, các chính sách hạn chế về sản lượng từ cả OPEC+ và các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã giữ cho sản lượng dầu toàn cầu luôn ở mức thấp hơn mức tiêu thụ.
Trong cuộc họp gần nhất vào tháng 12.2021, 23 thành viên OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 1.2022. Liên minh này cho biết có thể có những điều chỉnh chính sách sản lượng tức thì dựa trên điều kiện của thị trường.
Các chuyên gia của công ty chứng khoán VCBS cho rằng, các động thái sắp tới của OPEC+ và các bên liên quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng giá dầu.
Về ngắn hạn, VCBS dự phòng giá dầu trong năm 2022 sẽ trung bình ở mức 60 - 65 USD/thùng.
Theo đó, Liên minh Công nghiệp điện tử (EIA) dự báo các nhà sản xuất dầu thô thế giới sẽ chấm dứt việc duy trì nguồn cung thấp hơn nhu cầu dầu thô kể từ 2022.
EIA và OPEC cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ sẽ chậm lại trong năm 2022 khi năm 2021, nhu cầu hồi phục đã rất mạnh.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thay đổi và rủi ro lạm phát tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên các nhà sản xuất tăng cường sản lượng nhằm hạ thấp giá dầu trên thế giới.
Xét trong dài hạn, VCBS dự báo giá dầu vẫn trong xu hướng giảm.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ dầu thô cho lĩnh vực vận tải vẫn chiếm hơn 65% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Trong khi xu hướng xe điện đang ngày một tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 2 con số mỗi năm. Sự thành công của ngành vận tải không khói sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Ngoài ra, sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển cũng đang là tiền đề để xu hướng xe điện phát triển tại các khu vực này.
Dựa vào những yếu tố trên, chuyên gia phân tích của VCBS kì vọng 2 mã chứng khoán PLX và GAS sẽ có dư địa tăng trưởng tích cực trong năm 2022.
VCBS dự đoán sản lượng kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX) sẽ hồi phục sau dịch. Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 không bùng phát mạnh như năm 2021, sản lượng kinh doanh các sản phẩm xăng dầu của PLX có thể tăng trưởng hơn 12% trong năm 2022, cao hơn bình quân 8% trong giai đoạn 2014 - 2019.
Khoản thoái vốn tại PGBank sẽ đem lại một lượng tiền mặt lớn cho PLX. Với mức giá hiện tại của PGBank ở mức 35.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu, VCBS ước tính số tiền mặt PLX thu về là gần 4.500 tỉ đồng sẽ được hạch toán vào lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vào khoảng 3.000 tỉ đồng.
Tăng trưởng giá trị sổ sách nhờ bán khoản đầu tư vào PGBank sẽ tác động lên định giá của doanh nghiệp 3.000 tỉ đồng, tăng thêm tương ứng 25% giá trị sổ sách của PLX. Cộng hưởng cùng tăng trưởng sản lượng trong năm 2022, VCBS giữ nguyên mức P/B của PLX là 3,2 lần.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) được kỳ vọng có sản lượng tiêu thụ khí thiên nhiên phục hồi nhẹ trong năm nay.
Tác động của dịch bệnh COVID-19 lên PV GAS là rất lớn trong năm 2021. Trong trường hợp không còn tình trạng cách ly toàn xã hội diễn ra một lần nữa trong 2022, VCBS tin rằng sản lượng tiêu thụ khí tại các nhà máy nhiệt điện có thể hồi phục phần nào.
Tuy nhiên, sự đi lên nhanh chóng của ngành năng lượng tái tạo đang làm giảm nhu cầu huy động các nhà máy điện khí. Do đó, VCBS thận trọng dự phóng sản lượng tiêu thụ khí hồi phục ở mức 10% so với 2020 với giả định giá dầu ở mức 70 USD/ thùng.
Bên cạnh đó, hiện tại, PV GAS đã hoàn thành 90% công trình xây dựng cảng LNG Thị Vải. PV GAS cho biết sẽ đưa kho LNG vào hoạt động từ quý III/2022.
Tuy nhiên, công ty đang gặp 2 trở ngại chính là các dự án nhà máy điện chạy LNG hạ nguồn NT3-NT4 chưa triển khai và giá LNG đang ở mức đỉnh 10 năm, xấp xỉ 30 USD/MMBTU.
VCBS hy vọng giá LNG sẽ quay về mức 12 USD/MMBTU trong năm 2022, khi giá khí trên thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt. VCBS dự báo sản lượng kinh doanh LNG trong năm 2022 sẽ ở mức 15% công suất thiết kế. Sản lượng tăng thêm chủ yếu được sử dụng cho các hộ tiêu dùng công nghiệp.