Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 22.3 (sau 10 phiên hút tín phiếu), một ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động là Eximbank.
Đến ngày 2.4, sau chuỗi ngày hút tiền qua tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện bơm 5.952 tỉ đồng trở lại thị trường.
Đến nay, NHNN vẫn duy trì song song hai nghiệp vụ này để điều tiết thanh khoản của các ngân hàng, mặt khác gián tiếp nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Trên thực tế, hai tháng đầu năm tín dụng toàn ngành kinh tế tăng trưởng âm. Điều này cho thấy thanh khoản dư thừa, lực cầu tín dụng còn yếu.
Tuy nhiên, từ ngày 25.3 đến nay, các phiên phát hành tín phiếu của NHNN ít đi, có phiên thấp nhất đạt 200 tỉ đồng, phiên cao nhất là 8.600 tỉ đồng, không còn giống giai đoạn đầu tháng 3 khi NHNN mới phát hành tín phiếu.
Đáng nói, ở kênh OMO, NHNN có 3 lần bơm tiền trở lại với tổng cộng hơn 17.864 tỉ đồng (phiên ngày 2.4, ngày 3.4 và ngày 12.4). Cùng lúc đó, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh thời điểm này. Đỉnh điểm lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng lên 4,59%/năm vào ngày 3.4. Các các kỳ hạn ngắn khác cũng tăng mạnh.
Như vậy, sau đợt thừa thanh khoản, nhu cầu tiền cho thanh khoản của các ngân hàng lại tăng.
Thú vị ở chỗ, sau khi Eximbank nổ phát súng đầu tiên tăng lãi suất hồi cuối tháng 3, theo sau đó, một loạt ngân hàng là HDBank, MSB, VPBank, KienLongBank, VIB tăng lãi suất đầu tháng 4, ngay cả Eximbank cũng tiếp tục tăng thêm một lần lãi suất trong tháng này.
Việc tăng lãi suất tiết kiệm phần nào cũng giúp kênh này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu một thời gian dài, lại thêm việc các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán ghi nhận dấu hiệu hút tiền.
Năm nay cũng là năm đặc biệt khi lần đầu tiên NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng.
Theo số liệu của NHNN, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng ước đạt 1% so với cuối năm 2023. Con số này duy trì ở mức thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trước. Còn nhớ 2 tháng đầu năm tín dụng đã tăng trưởng âm.
Rõ ràng, tháng cuối của quý I, các ngân hàng đã nỗ lực hết sức để đẩy tín dụng ra nền kinh tế.
Dù NHNN đang hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, nhưng tín dụng cho vay tăng tốc mà huy động cũng khó khăn thì thanh khoản của các ngân hàng cũng không dễ dàng.
Nhưng dư luận cũng đặt ra nghi vấn liệu có hay không tình trạng căng thanh khoản của toàn hệ thống?
Trao đổi với Lao Động, TS Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho biết, chính sách của Chính phủ là giữ ổn định lãi suất và duy trì xu hướng giảm, hỗ trợ chi phí lãi vay cho các chủ thể trong nền kinh tế, qua đó tăng khả năng tiếp cận tín dụng để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng trong năm 2024.
Ngoài ra, các ngân hàng trong nhóm dẫn đầu vẫn điều chỉnh giảm, kéo theo xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất chung.
Còn các ngân hàng top sau có xu hướng tăng lãi suất, có khả năng họ gặp khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn, khi đó các ngân hàng có thể vay qua thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đắt hơn thì các ngân hàng này có thể tăng phần trăm lãi suất ở kênh huy động để đáp ứng thanh khoản.
"Vì vậy cần khẳng định rằng, việc căng thanh khoản chỉ là nhất thời, không phải là trục trặc của cả hệ thống" - TS Linh nhấn mạnh.