Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21.12.2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09% (cùng thời điểm năm trước tăng 12,87%).
Trước đó, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 30.11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Rõ ràng, những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, tăng khoảng 2% chỉ trong 3 tuần đầu của tháng 12. Đây được coi là nỗ lực của toàn ngành ngân hàng sau những chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, so với mục tiêu định hướng, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt được kế hoạch 14,5%.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp chủ yếu từ các yếu tố khách quan.
Đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng (chiếm tỉ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung)...
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó Thống đốc thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân rằng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao.
Trong báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và VNDirect cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhà điều hành hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… trong khi xuất khẩu cũng tăng trưởng chậm lại.