Tin đồn thứ nhất cách đây vài ngày, nhân việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13.1 về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, trong đó có nội dung đề cập “tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…”.
Tuy nhiên, tin đồn không dấy lên từ ngày 13.1 hay 3 ngày tiếp sau đó, mà chờ đến ngày 17.1.2022 khi thị trường chứng khoán Việt Nam với VN-Index bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới thì mới lan truyền.
Tin đồn cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối việc tăng vốn của một số công ty chứng khoán. Hậu quả là, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán “lãnh đủ”, với một phiên giảm mạnh và giảm sàn, góp thêm phần nặng nề kéo lùi chỉ số VN-Index giảm đến hơn 43 điểm.
Tin đồn này đã phần nào bị phản bác bằng một số bài phân tích trên các báo sau đó. Tuy nhiên, vì chưa có các phát ngôn chính thức từ cơ quan quản lý và những công ty chứng khoán, vì thế sang phiên giao dịch ngày 18.1, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục “đo sàn” hoặc giảm giá mạnh. Theo đó, nhiều nhà đầu tư nắm giữ các mã cổ phiếu chứng khoán thiệt hại nặng nề hơn.
Cho đến cuối ngày 18.1, thông tin phản hồi từ một trong những công ty chứng khoán đang có kế hoạch tăng vốn mạnh là VNDirect được đăng tải trên các báo, giúp cho nhóm cổ phiếu chứng khoán tìm được điểm cân bằng và tăng giá trở lại trong phiên giao dịch ngày 19.1.
Kết phiên giao dịch hôm nay, cho dù chỉ số chung VN-Index chỉ tăng gần 4 điểm, tức tương ứng 0,27%, nhưng có nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán tăng trần hoặc tăng ở mức từ 6% trở lên. Những mã cổ phiếu này hầu hết nằm ở các mã ở tốp đầu của ngành chứng khoán, trong đó có một số công ty đang trong kế hoạch tăng vốn.
Một tin đồn khác, cho rằng ông Lê Hải Trà - Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) - bị bắt. Tuy nhiên, tin đồn này đã nhanh chóng được HoSE có thông tin phản bác, cho rằng đây là tin đồn thất thiệt.
Nhờ đó, tin đồn thất thiệt này chưa kịp lan truyền quá rộng tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt, thông tin thất thiệt này cũng chưa kịp bị những “tay lái” lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán như tin đồn thứ nhất đề cập ở trên.
Thị trường chứng khoán vốn dĩ rất nhạy cảm với các tin đồn. Chính vì thế, thông tin kịp thời từ các cơ quan chức năng, tổ chức quản lý và từ chính các sở giao dịch và doanh nghiệp niêm yết, là cực kỳ cần thiết. Việc phản hồi, minh định lại thông tin, không những để dẹp tan các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư mà còn nhằm bảo vệ thị trường, tránh để thị trường bị nhiễu loạn thông tin và biến động gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp niêm yết, dòng vốn đầu tư và nhà đầu tư.
Tin đồn thất thiệt gây ra điều nghịch lý là ai cũng có thể nhận ra nhưng cũng lại rất lo ngại và dè chừng trên thị trường chứng khoán. Đó là, nhiều mã chứng khoán của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thậm chí vượt kế hoạch, thế nhưng vẫn bị bán tháo vì tin đồn.