Lợi nhuận cao, phù hợp với tuổi già
Ông Lâm Ngọc Sơn (62 tuổi, ngụ khóm 3, phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) bắt đầu việc nuôi lươn từ năm 2018. Khi đó, ông Sơn được Trạm Khuyến nông thành phố hỗ trợ 2.000 con lươn giống. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy lươn phát triển tốt, lợi nhuận cao, ông đã đầu tư thêm 50m2 chuồng, nuôi hơn 13.000 con lươn/đợt.
Ông Sơn kể lại, khi mới bắt đầu thả nuôi, ông cũng gặp nhiều khó khăn do chưa am hiểu về đặc tính của lươn như mực nước, thời gian cho lươn ăn, thời gian thay nước,… Tuy nhiên, nhờ được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân phường, Trạm Khuyến nông nên tỉ lệ hao hụt thấp. Hiện nay, cứ sau 8 tháng thả nuôi, gia đình ông thu lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng.
Theo ông Sơn, chăn nuôi tại khu vực đô thị, đa số sử dụng nước máy. Do vậy, người nuôi phải tính toán thế nào để hạn chế sử dụng nước máy là rất cần thiết. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn cho vật nuôi. “Trong thời gian thả nuôi, tôi đã nghiên cứu và áp dụng thành công nuôi lươn bằng nước máy và không bông tua (dây nilon) để tiết kiệm chi phí hơn 40% so với trước đây”, ông Sơn cho biết thêm.
Cũng là những nông dân tham gia nuôi lươn từ năm 2018, ông Đặng Văn Hớn (70 tuổi, khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết, lươn loại 1 hiện được thu mua với giá từ 110 - 120 ngàn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với những năm bắt đầu nuôi. Với giá bán này, tuy lãi không nhiều nhưng mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng 2 giờ để chăm sóc lươn. Công việc này cũng khá nhẹ nhàng và không tốn quá nhiều thời gian nên khá phù hợp với người lớn tuổi.
Liên kết sản xuất
Ngày 27.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Huỳnh Trần Tấn Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 (TP Vĩnh Long) - thông tin, mô hình nuôi lươn đã giúp nhiều nông dân có thêm thu nhập, đời sống được nâng lên. Các hộ tham gia đều có bước phát triển tốt, đã hoàn vốn đầu tư và mở rộng quy mô nuôi lươn.
Theo ông Vĩnh, thời gian qua, Hội Nông dân phường đã liên kết với các nhà khoa học để hỗ trợ thông tin giúp người nuôi lươn đạt năng suất cao cho từng đợt nuôi. Bên cạnh đó Hội cùng tìm kiếm, giới thiệu đầu ra để lươn được tiêu thụ hết, với mức giá của thị trường, không bị thương lái chèn ép.
Sau 5 năm triển khai thực hiện nuôi lươn không bùn, Hội Nông dân phường 8 đã thành lập Chi hội nghề nghiệp với hơn 20 hộ tham gia nuôi, giúp người dân chuyển dần mô hình sản xuất chăn nuôi riêng lẻ sang liên kết sản xuất, tổ viên có thể tương trợ cho nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi.
“Để áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn có hiệu quả, người nuôi cần quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý nước trước khi xả thải... để tránh dẫn đến ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị văn minh của địa phương”, ông Vinh khuyến cáo.